Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 2-12-2008, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh rằng từ năm 2009, Đà Nẵng sẽ “kiên quyết chống căn bệnh nhũng nhiễu và trì trệ của công chức”. Trong rất nhiều những giải pháp mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đưa ra, có biện pháp “tiền thưởng về sự trong sạch suốt đời” (chúng tôi tạm gọi như thế - HVT). Đây là một đề xuất được đưa ra thảo luận khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.
Giải pháp rất giản dị: Hằng tháng, chính quyền thành phố sẽ trích thưởng cho sự trong sạch, hiệu quả của mỗi công chức một khoản tiền từ 5-6 triệu đồng. Số tiền đó sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân nhưng do thành phố quản lý. Đến khi về hưu, nếu công chức không vi phạm kỷ luật, không bị người dân phàn nàn sẽ có một khoản tiền đáng kể (và tất nhiên là có không ít vinh dự, tự hào) mà mỗi công chức, trong quá trình làm việc không thể không đắn đo khi nảy sinh ý định hành dân.
Phải nói rằng đây là một ý tưởng đột phá có ý nghĩa quan trọng. Lâu nay, các biện pháp giáo dục, “cưỡng chế” bằng phê bình, kiểm điểm tỏ ra không mang lại hiệu quả bởi một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để công chức nhũng nhiễu là tiền lương của họ không đủ sống. Do đó, thậm chí họ không cần phải hành dân mà chỉ cần làm chậm hay cản trở một công đoạn nào đó của thủ tục giấy tờ là lập tức “quyền không cho” trở thành một vũ khí hiệu quả.
Tuy nhiên, để “đề án” mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đưa ra có hiệu quả và nhất là, có thể trở thành một mô hình tốt về cải cách hành chính thì vẫn còn cần đến một số cân nhắc. Thứ nhất, công chức lâu năm mới có đủ thời gian để “chờ” khoản tiền thưởng vì sự trong sạch đó, còn đối với các công chức mới vào nghề, 20-30 năm chờ đợi là quá dài.
Do vậy, cần phải dự liệu chia thời gian 30 năm đó thành 3 giai đoạn để có chính sách thưởng hợp lý. Thứ hai, quy định trên sẽ gia tăng hiệu quả hơn nữa nếu xác tín rằng khoản tiền “ứng trước” 1/3 hay 2/3 sẽ vẫn bị thu hồi nếu giai đoạn sau vi phạm. Đây là sự gia tăng “khung hình phạt” mặc dù nguyên tắc của vấn đề không thay đổi. Thứ ba, nếu chỉ quy ra tiền không thôi thì e rằng hiệu quả chưa đủ tạo thành hiệu ứng xã hội hóa. Bởi dù sao đi nữa, chỉ có kinh tế không thì đó vẫn chưa phải là một “nền hành chính thành phố” đáng kỳ vọng. Cần phải có các biện pháp khuyến khích về tinh thần và danh dự tương ứng để đề cao các công chức tiêu biểu của nền hành chính mới.
Ý tưởng mới tất nhiên sẽ có phản hồi và có không ít khó khăn trước khi sự hiện thực hóa là khả dĩ. Đáng trân trọng rằng sự trăn trở của Thành ủy, HĐND thành phố Đà Nẵng là một trong những tín hiệu dự báo rằng sự đổi mới thực sự đang đến. Quả thật, mùa Xuân đang rực rỡ chuyển mình…
H.V.T
.
.
Đột phá
Thứ Năm, 04/12/2008, 08:31 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.