.

Hứa với dân phải thực hiện, lo cho dân phải cụ thể

Đông đảo người dân thành phố Đà Nẵng đang theo dõi diễn biến của kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa VII. Ở kỳ họp này, cử tri  thành phố đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của đại biểu HĐND, những người được dân cử để giám sát và đại diện cho họ nói lên những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của cộng đồng.

Những chất vấn “nóng bỏng” sẽ được đưa ra trong kỳ họp này, những phản biện “căng thẳng” nhưng có tình, có lý của đại biểu HĐND không gì khác hơn là để người đại biểu HĐND hoàn thiện tốt chức năng vai trò của người được dân tin, dân cử. Và những chất vấn, phản biện ấy cũng nhằm vươn đến mục đích chính là phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, bảo đảm chính sách an sinh cho người dân. Chính vì vậy, nội dung chất vấn tại kỳ họp được người dân quan tâm nhất, chờ đợi nhất là những vấn đề cụ thể liên quan sát sườn đến việc ăn, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, việc làm, môi sinh, môi trường, ANTT xã hội…

Năm 2009 thành phố Đà Nẵng phấn đấu chăm lo tốt chính sách an sinh xã hội. Đó không những là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, của đại biểu HĐND, của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội mà còn là trách nhiệm của cả nhân dân thành phố. Bảo đảm  chính sách an sinh xã hội gắn với cuộc sống hằng ngày, với mỗi khu phố, làng quê, với mỗi gia đình, với mọi cử tri của thành phố… Với một thành phố vừa mới tách ra, vừa lột xác từ một đô thị nghèo nàn và lạc hậu, muốn phát triển đòi hỏi biết bao nhiêu việc cần làm, phải làm.

Hơn 10 năm, với trên 80.000 hộ dân phải giải tỏa, di dời, tái định cư để chỉnh trang, phát triển đô thị. Mỗi một lần giải tỏa là một lần bị xáo trộn từ quan hệ xóm giềng, thuần phong mỹ tục, từ ăn ở, mưu sinh… đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, hàng chục nghìn cử tri. Cho nên, nội dung chất vấn, trả lời chất vấn chung quanh vấn đề đền bù giải tỏa, bố trí đất tái định cư, môi trường, công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo là vấn đề tất yếu và là “muôn thủa” của mỗi kỳ họp HĐND thành phố nhiệm kỳ này…

Giải quyết chính sách an dân không gì khác hơn là phải vừa bảo đảm lợi ích của Nhà nước, vừa bảo đảm lợi ích cho người dân. Vì sự phát triển của xã hội, của thành phố, nhiều hộ dân phải chịu thiệt thòi về quyền lợi của gia đình và cuộc sống. Sự hy sinh đó của đông đảo nhân dân đã đem lại diện mạo cho thành phố Đà Nẵng như ngày hôm nay.

Đó là cái được của thành phố, cái được của xã hội. Để có cái được của mình, trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo thuận lợi về nơi ăn, chốn ở, về điều kiện mưu sinh cho dân. Không thể chấp nhận để hàng chục hộ dân đã bàn giao đất từ nhiều năm nay, đến nay vẫn chưa có đất tái định cư ổn định; không thể chấp nhận những công trình, những dự án treo hàng năm trời để người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ đợi; không thể chấp nhận một đoạn đường thi công dang dở ở khu tái định cư kéo dài từ năm này qua năm khác để người dân sống cảnh mưa lầy, nắng bụi; không thể để những khu tái định cư sống không điện, không nước trong nhiều tháng trời…
 
Cho nên, giải quyết tốt chính sách an sinh là trách nhiệm lớn nhất, nặng nề nhất của HĐND thành phố qua mỗi nhiệm kỳ. Cử tri không thể nào chấp nhận một ý kiến phản ánh đúng của mình phải kéo dài qua nhiều kỳ họp HĐND thành phố vẫn không được giải quyết dứt điểm. Càng không thể chấp nhận những lời hứa suông của  những người có trách nhiệm, của các cơ quan, ban, ngành hữu quan. Cho nên, nguyện vọng của người dân, của cử tri thành phố qua kỳ họp này là hãy quan tâm chính sách an dân bằng những lời hứa cụ thể, những việc làm cụ thể…

LÊ VĂN HOA



;
.
.
.
.
.