Mấy tháng trước, cả thế giới phải bàng hoàng trước những nguồn tin dồn dập về vụ sữa chứa melamine làm hàng chục ngàn trẻ em Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả. Ngoài việc kiểm tra, thu hồi các loại “sữa bẩn”, các cơ quan chức trách ở Trung Quốc đã có thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây ra vụ việc. Theo báo chí Trung Quốc, lực lượng cảnh sát tại tỉnh Hà Bắc đã bắt để làm rõ hành vi phạm tội của 27 người có liên quan đến vụ sữa chứa melamine ở Tập đoàn Tam Lộc.
Là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ vụ “sữa bẩn” từ Trung Quốc. Hàng loạt sản phẩm sữa qua xét nghiệm của các cơ quan chức năng xác định có nhiễm melamine phải đóng gói chờ tiêu hủy; hàng loạt nhà máy sữa bị đình đốn. Doanh nghiệp (DN) điêu đứng, nông dân nuôi bò sữa cũng… lao đao!
Dĩ nhiên, nếu các DN sản xuất, kinh doanh sữa, dù đang ở thời điểm ăn nên làm ra nhưng vì melamine dẫn đến phá sản; dù thương hiệu gầy dựng cả hàng chục năm bỗng hóa công dã tràng, thì vì sự tồn vong giống nòi, vì sức khỏe cộng đồng, chúng ta cũng đành chấp nhận. Ai cũng hiểu rằng: tính mạng và sức khỏe con người là quan trọng nhất, nhiều tiền mấy cũng không mua được. Nhưng sự thể không hẳn là vậy…
Hãy lấy Hanoimilk làm ví dụ. Khi “cơn bão melamine” tràn qua, 2 mẫu sữa nguyên liệu và 2 mẫu sữa thành phẩm (sữa Hip-socola và sữa chua có đường) của Hanoimilk được cơ quan chức năng xét nghiệm và công bố có chứa melamine. Ngay lập tức, những sản phẩm này đang được phân phối trên toàn quốc bị niêm phong. Sau đó, thêm 3 mẫu sữa của Hanoimilk được xác định nhiễm melamine. Cái “án” melamine quá nặng nề làm cho Hanoimilk đứng bên bờ vực thẳm.
Giữa lúc khốn cùng như vậy, lãnh đạo Hanoimilk vẫn còn đủ tỉnh táo “gồng mình” bỏ ra hàng trăm triệu đồng gửi các mẫu sữa bị cho là “dính chàm” đến các trung tâm kiểm định trong nước và nước ngoài kiểm định lại. Và điều đáng nói là các mẫu gửi đi kiểm định đều xác định không có melamine.
Trước thực tế này, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành lấy lại mẫu sản phẩm sữa Hip-socola và sau đó lấy thêm 14 mẫu sữa của Hanoimilk – trong đó có cả các sản phẩm sữa từng bị cho nhiễm melamine – đã được Thanh tra Bộ Y tế tuyên bố “trắng án”(?). Ngoài Hanoimilk, chắc hẳn sẽ còn nhiều DN kinh doanh sữa khác lâm vào cảnh tương tự.
“Cơn bão melamine” tràn qua Việt Nam đã để lại hậu quả nặng nề, đó là điều không tránh khỏi. Việc các cơ quan chức năng buộc phải dùng biện pháp rắn để chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh “sữa bẩn” là cần thiết, song không vì thế mà chúng ta dễ dãi chấp nhận những sai sót trong công tác kiểm định sản phẩm sữa của đơn vị chức năng.
Điều đáng nói là trong khi các DN sống dở chết dở với “án” melamine, thì đơn vị kiểm định và công bố “nhầm” vẫn dửng dưng không chịu nhận lãnh trách nhiệm “xóa án melamine” cho DN. Thiệt hại đối với DN bị hàm oan là quá rõ, vậy các cá nhân, đơn vị gây ra thiệt hại không đáng có ấy phải có trách nhiệm như thế nào, vẫn chưa thấy lãnh đạo Bộ Y tế nhắc nhở và xử lý.
Là cán bộ, công chức, vì một lý do nào đó, đã không làm tròn chức trách nhiệm vụ, hoặc có những sai sót trong thi hành nhiệm vụ, cần phải được xử lý nghiêm khắc để làm gương và chấn chỉnh các sai phạm tương tự. Đó là lẽ công bằng mà không chỉ các DN sản xuất kinh doanh sữa bị hàm oan lên tiếng, mà đó còn là sự đòi hỏi chính đáng của mọi người!
HẢI HÀ
.
.
Khi “cơn bão melamine” đi qua
Thứ Tư, 17/12/2008, 08:41 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.