.

Mở rộng quy mô kích cầu

“Gói kích cầu 6 tỷ USD” do Chính phủ đề xuất thực ra không lớn so với quy mô của nền kinh tế, nhưng có vai trò rất quan trọng nhằm chủ động kích hoạt và hạn chế sự suy giảm nhanh đang đe dọa hầu như tất cả các lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng.

Việc chủ động tăng thêm gói kích cầu thể hiện sự nhận thức rõ hơn về những nguy cơ, đồng thời là quyết tâm và nỗ lực lớn của Chính phủ nhằm đối phó ảnh hưởng lan rộng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để bảo đảm việc giải ngân nguồn vốn kích cầu có hiệu quả, tạo ra hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, thiết nghĩ cần tập trung chỉ đạo làm tốt một số việc sau:

Thứ nhất, khâu tổ chức triển khai đóng vai trò quyết định. Cần sớm ban hành những cơ chế và giải pháp phù hợp với mục tiêu kích cầu, khởi thảo chương trình hành động cụ thể, công khai rõ danh mục đối tượng đầu tư, đồng thời lập ra một nhóm bao gồm các ngành tổng hợp chủ chốt như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Ngân hàng Trung ương dưới sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ, có nhiệm vụ đặc trách theo dõi, trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng và chỉ đạo thực hiện.

Tại từng tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND là người chịu trách nhiệm trực tiếp cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Trung ương đến từng ban, ngành. Trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, cần thực hiện nguyên tắc ban hành chính sách theo kiểu “Quân lệnh”, bảo đảm nhanh nhạy, hiệu lực cao, mang tính phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Thứ hai, cần triển khai đồng bộ những giải pháp vĩ mô một cách quyết liệt hơn, vừa bảo đảm mục tiêu chiến lược là kiềm chế và phòng ngừa tái lạm phát, nhưng đồng thời phải mạnh dạn chuyển hướng chính sách tiền tệ và tài khóa sang sách lược chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định được mức lãi suất cơ bản hợp lý, góp phần định hướng lãi suất thị trường, tạo ra sức cầu mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp vay vốn, mở rộng đầu tư phát triển.

Đây chính là cách thức kích cầu có hiệu quả và mang lại hiệu ứng tích cực nhất. Quan điểm ứng xử với lạm phát cũng cần có sự thay đổi, nghĩa là từ chỗ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng thực tế (CPI) để xác định lãi suất cơ bản nay chuyển sang tính toán tỷ lệ lạm phát kỳ vọng, có cân nhắc đến “độ lùi” của tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, từ đó hình thành nên lãi suất cơ bản phù hợp.

Dự báo lạm phát năm nay sẽ dừng ở mốc 20%, sang năm 2009 không loại trừ chỉ số lạm phát sẽ xuống đến mức một con số, như vậy bình quân lãi suất cơ bản sẽ dao động ở mức 6 - 7%. Thiết nghĩ đây là mục tiêu định lượng tối thiểu mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần hướng đến với lộ trình hợp lý. Trên tinh thần đó, phương châm điều hành chính sách tiền tệ cũng cần chuyển hẳn từ chủ trương “Thắt chặt có linh hoạt ” sang “Nới lỏng có kiểm soát”.

Thứ ba, cần tiến hành một cuộc vận động lớn trong toàn dân về chủ trương phát huy nội lực, đoàn kết, hợp sức vượt qua giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Kích cầu hoàn toàn không chỉ là giảm giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, miễn giảm hoặc hoãn thuế, mà cần thiết phải chủ động tăng thuế, tăng phí đối với những hành vi và đối tượng tiêu dùng xa xỉ, thiếu trách nhiệm đối với vận mệnh chung của đất nước.
 
Trước sự tấn công của “cơn bão hàng Trung Quốc”, không nên chỉ dừng lại sự kêu gọi đẩy mạnh tiêu dùng hàng trong nước mà cần có chính sách hỗ trợ giá, phí, lãi suất, khuyến khích mở mang thị trường nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa... một cách cụ thể, đi đôi với việc nâng cao trình độ nhận thức của người tiêu dùng trước nguy cơ có thực của hàng hóa chất lượng kém, có hại đến sức khỏe và môi trường. Chính sách kích cầu, suy cho cùng phải hướng vào việc an dân, bồi dưỡng sức dân, tạo dựng lòng tin, thông qua đó mới huy động được sức dân một cách mạnh mẽ nhất.

V.P

;
.
.
.
.
.