Chưa bao giờ đón mừng xuân mới, nhìn về phía trước, lòng chúng ta có nhiều bất an như những ngày này, bởi năm 2009 chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.
Trò chuyện đầu năm với nhiều doanh nhân, ai cũng mừng năm Tý qua đi với bao bươn chải chịu đựng, tuy không bằng mọi năm nhưng cũng là vui vẻ, nhưng chưa biết năm Sửu sẽ như thế nào? Đường xa nghĩ nỗi sau này mà lo. Suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ, nước giàu mạnh nhất thế giới, chiếm đến 25% GDP toàn cầu đã mau chóng lan tỏa ảnh hưởng. Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam lại đang hội nhập nên không thể đứng ngoài cuộc.
Những lĩnh vực chưa tác động trực tiếp là xuất khẩu, du lịch, nói chung rồi sẽ là hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh. Đơn hàng bị cắt giảm; giá phải hạ thấp, người lao động mất việc làm (hoặc phải giảm ngày công, giờ công) thu nhập sa sút là điều chắc chắn (đã hoặc) phải đến. Và dù không muốn nhưng có nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản cũng là điều phải chấp nhận. (Chỉ trong tháng 12-2008, ở Mỹ có 529.000 người mất việc làm, tính cả năm là 2,6 triệu người, Microsoft vốn là doanh nghiệp vững như bàn thạch cũng tính cắt giảm 16%, 15.000 trong 91.000 lao động).
Hơn bao giờ hết, cuộc cạnh tranh này đòi hỏi bản lĩnh sóng cả không ngã tay chèo; động viên tinh thần là cần thiết nhưng lúc này rõ ràng không phải là lúc hô khẩu hiệu. Hãy nỗ lực phi thường... hãy tăng cường... hãy đẩy mạnh. Mà là tìm kế sách để duy trì sản xuất kinh doanh, giữ được thị phần, giữ được khách hàng, tránh được những kết cục xấu nhất.
Tổng cục Du lịch đưa ra yêu cầu giảm từ 30 đến 50% giá tour để thu hút khách (đây không chỉ là yêu cầu nội bộ mà đã được công bố như một mời gọi du khách). Như thế là các khách sạn, nhà hàng, hàng không và các hãng vận chuyển, các điểm tham quan và cả hệ thống hướng dẫn viên... phải hợp sức liên kết thực hiện. Đây không phải là những biện pháp tiết kiệm thông thường, dù rằng những biện pháp ấy vẫn rất cần thiết.
Và một yêu cầu sống còn là giảm giá nhiều như vậy nhưng chất lượng không được giảm. Có chủ doanh nghiệp nói không thể giảm nhiều như thế, cố gắng hết sức cũng chỉ giảm được 10%. Vấn đề là phải có một cách nghĩ mới, chủ doanh nghiệp có thể phải chấp nhận lỗ, người lao động phải chấp nhận giảm thu nhập một thời gian, cùng chịu đựng và chia sẻ vượt qua cơn bĩ cực này để cứu doanh nghiệp, còn thương hiệu, còn nhân lực đến ngày thái lai sẽ hồi phục chấn hưng.
Các nhà lãnh đạo, các ngành nghề như dệt may, da giày, đồ gỗ... thì kêu gọi không chăm chăm vào mấy thị trường lớn, quen thuộc như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản mà mạnh dạn tìm mở thị trường mới như châu Phi, Trung cận Đông. GS Trần Văn Thọ trên Tuổi Trẻ số Tết còn khuyến nghị đi vào thị trường Trung Quốc (một nước được xem là công xưởng của toàn thế giới và người Việt Nam vốn luôn có mặc cảm là chào thua hàng Trung Quốc ngay trên sân nhà).
Trong lúc này người ta lại nói nhiều đến tiềm năng của thị trường nội địa với 85 triệu dân vốn bị bỏ quên khá lâu. Thị trường mới, thị trường nội địa và những mẫu hàng mới tương thích với người tiêu dùng thời suy giảm là thử thách sức năng động sáng tạo của các chủ doanh nghiệp và người lao động.
Làm được những việc trên, các doanh nghiệp rất cần (không thể thiếu) sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chính sách thuế, tín dụng và nhất là qua triển khai gói kích cầu 17.000 tỷ đồng.Năm 2009 đầy khó khăn bất trắc đang chờ đón các nhà sản xuất kinh doanh, những người lao động và tất cả chúng ta. Nhìn rõ sự thật nghiêm khắc này, không than khó, không bó tay, càng không thể tuyệt vọng. Cùng bước vào năm 2009 bình tĩnh và tự tin!
NGUYỄN ĐÌNH AN
.
.
Chào năm Kỷ Sửu
Thứ Sáu, 30/01/2009, 07:47 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.