Đà Nẵng vừa khai giảng khóa đào tạo 100 học viên thành bí thư, chủ tịch phường, xã (3-1-2009). Có thể coi đây là lớp học đầu tiên của cách đào tạo trực tiếp cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở chứ không phải cách quan niệm “cán bộ nguồn” một cách chung chung.
Trước hết, tiêu chí đào tạo được xác định rất rõ ràng: Những học viên sau 10 tháng học có kết quả xuất sắc nhất sẽ có quyền chọn nơi mình muốn đến làm việc. 5% tổng số học viên sẽ được bổ nhiệm ngay làm phó chủ tịch phường, xã. Trong quá trình học, nếu là sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 1,5 triệu đồng, còn nếu là cán bộ đương chức sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng. Mỗi tháng sẽ có 10 học viên xuất sắc nhất được nhận thưởng 10 suất khuyến học, trị giá mỗi phần thưởng là 1 triệu đồng. Mức lương cho cán bộ lãnh đạo phường, xã tương lai được ấn định là từ 2-3 triệu đồng…
Đây là một trong những tin mới và rất vui trong ngày đầu năm. Đây cũng là bước đi có tính đột phá, sáng tạo của Đà Nẵng nhằm mục đích rất rõ ràng là tạo nên một đội ngũ lãnh đạo có năng lực công tác bài bản, có kiến thức hiện đại, có ý chí thể hiện bản lĩnh vững vàng và quan trọng nhất, có sức trẻ (dưới 35 tuổi) để mạnh mẽ cống hiến.
Thiết nghĩ rằng cách làm của Đà Nẵng rất cần được nhân rộng, đồng thời cũng cần được trao đổi và tham khảo thêm về chương trình đào tạo. Chẳng hạn, đừng cho rằng giới hạn việc đào tạo trong cái “khung kiến thức” của xã, phường là đủ mà phải hướng tới một tầm nhìn xa hơn bởi vì những cán bộ trẻ đó sẽ lãnh đạo cao hơn trong tương lai. Chẳng hạn, dù là cán bộ xã, phường; đều phải có trình độ tâm lý học cơ bản, năng lực công tác xã hội đa dạng, được trang bị kiến thức chung về nền văn minh hiện đại của thế giới để so sánh, đối chiếu với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng…
Cách làm của Đà Nẵng thể hiện một tầm nhìn mới và nhất là, hiện thực hóa tầm nhìn đó ngay trên chính quê hương mình bằng giải pháp cụ thể, khả thi nhất. Nếu các địa phương trên cả nước đều xúc tiến việc đào tạo tương tự (tất nhiên phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi nơi) thì chắc chắn rằng, chúng ta sẽ có được một thế hệ lãnh đạo mới mẻ và chất lượng.
Đây là điều cần phải quan tâm nhất trong yêu cầu cải cách hành chính: Phải “thay máu” đội ngũ công chức kém năng lực, thiếu tinh thần đổi mới bằng những bước đi cụ thể, hiệu quả. Nếu năm nào cũng làm được như thế, sau 3-5 năm, Việt Nam sẽ có một thế hệ mới của những nhà lãnh đạo cấp cơ sở đầy năng lực.
KHÁNH CHI
.
.
Đào tạo lãnh đạo phường, xã
Thứ Năm, 08/01/2009, 07:46 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.