.

Đề án nhân văn

Mới đây, ông Phạm Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Ngành giáo dục đang nỗ lực bù đắp phần nào sự cống hiến của hàng vạn giáo viên đã tự nguyện lên công tác vùng khó khăn trong nhiều năm qua bằng “Đề án luân chuyển giáo viên”.

Trước đó, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm vừa rồi, trong bức thư tâm huyết gửi các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh và các em học sinh, sinh viên, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đau đáu về vấn đề này. Ông nói: “… Chúng ta rất day dứt khi hàng vạn thầy, cô giáo phải chấp nhận sự không công bằng để đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho các em học sinh người dân tộc, các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bắt đầu từ năm 2009, Bộ GD-ĐT sẽ cùng với UBND các tỉnh đưa các thầy, cô giáo đã dạy học từ 10 năm trở lên, rồi 5 năm trở lên ở các vùng rất khó khăn được trở về công tác ở nơi thuận lợi hơn, nếu có nguyện vọng”.

Thực ra, nếu suy xét cho kỹ, chúng ta sẽ nhận thấy đề án này không phải hoàn toàn mới, mà “bám” rất chặt vào Nghị định của Chính phủ, quy định: Nam công tác 4 năm, nữ 3 năm ở vùng khó khăn được về vùng thuận lợi. Mặt khác, không phải đến bây giờ, vấn đề không công bằng với giáo viên miền núi mới xảy ra mà đây là một thực trạng nhức nhối đã lâu nhưng phải đến khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng, vấn đề này mới được đề cập nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Nhiều giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi so với đồng nghiệp khác, có người đành phải gắn bó suốt đời với những địa bàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn vì nguyện vọng về nơi thuận lợi hơn không được đáp ứng vì nhiều lý do khác nhau.

Hiện nay, có một số khó khăn đang đặt ra. Sẽ chuyển các giáo viên công tác lâu  năm từ vùng khó về đâu nếu như các trường vùng thuận lợi đã đủ giáo viên rồi?  Do vậy, sẽ tính toán về chế độ, chính sách đãi ngộ để điều động, động viên, khuyến khích các  giáo viên trẻ vùng thuận lợi lên vùng khó khăn một thời gian nhất định. Thứ hai là phải có chính sách bồi dưỡng làm sao các giáo viên vùng khó có đủ năng lực, điều kiện đảm  nhận việc giảng dạy ở các trường vùng thuận lợi.  

Dù còn gặp nhiều khó khăn, song theo quyết tâm của Bộ GD-ĐT, quý 2-2009, đề  án sẽ hoàn thành và trong năm nay sẽ giải quyết luân chuyển về vùng thuận lợi cho các  thầy, cô ở vùng khó khăn hơn 10 năm, năm 2010 thực hiện đề án này đối với các thầy, cô ở vùng khó khăn hơn 5 năm. Đây là một đề án thể hiện rất rõ tính nhân văn, do vậy dù  khó khăn đến đâu, chúng ta cũng hy vọng các cấp, các ngành và cả xã hội sẽ cùng “xắn  tay áo” cùng ngành GD thực hiện cho bằng được. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề trả lại sự công bằng cho những giáo viên thiệt thòi, mà còn là vấn đề đạo lý  - một truyền  thống tốt đẹp của dân tộc ta. 

HẢI HÀ

;
.
.
.
.
.