.

Liệu pháp cười

Bản tin Chào buổi sáng của VTV1 sáng 2-1-2009 có một chi tiết thật đáng quan tâm: Chính quyền ở bang Punjab, Ấn Độ (“Vùng đất của năm dòng sông”), ngay trong ngày đầu năm mới, đã mở khóa huấn luyện đặc biệt: Dạy cho cảnh sát biết cười!

Khó có thể nói hết ý tưởng và hiệu quả của bước đột phá đầy sáng tạo này. Trước hết, cuộc sống luôn căng thẳng, nhất là đối với một nghề vừa vất vả, vừa cô đơn như nghề cảnh sát. Phải biết cười ngay cả khi thách thức nhiều nhất là “nghệ thuật sống” cần thiết không chỉ với cảnh sát nói riêng mà còn có nhiều ích lợi với tất cả mọi người. Nền kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo là có rất nhiều mảng màu ảm đạm. Vậy thì, hãy học cách để cười, đứng vững trong năm mới đầy khó khăn này.

Trong hệ thống tổ chức hành chính của ta hiện nay, rất hiếm khi người dân đến cửa “quan”, nhìn thấy công chức nở một nụ cười theo đúng tinh thần của nó. Cần phải hiểu rằng khi người dân đến với chính quyền là họ muốn có được sự thông cảm và giúp đỡ tốt nhất. Về nguyên tắc, chính quyền sinh ra để phục vụ dân.

Nhưng trên thực tế, chính quyền luôn bị cuốn theo xu hướng cá nhân hóa. Thành thử, sự “cầu cạnh” của người dân là biểu hiện rất thông thường. Nếu công chức Nhà nước biết cách để cười đúng lúc, đúng chỗ thì sự gần gũi giữa chính quyền và nhân dân sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu! Mặt khác, khi công chức biết cười như thế thì theo lẽ tự nhiên, họ sẽ phục vụ người dân được tốt hơn. Và, cũng rất dĩ nhiên rằng cười phải được coi là bước đi thứ nhất của mong muốn cải cách tính hiệu quả của bộ máy hành chính.

Sự hòa đồng tự nhiên giữa cấp trên - cấp dưới, giữa công chức - người dân không thể có cái gì tốt hơn là những nụ cười. Cười có trí tuệ và cười bằng trái tim là đặc ân mà tạo hóa ban tặng riêng cho con người. Tại sao chúng ta lại lãng phí món quà vô giá đó? Kinh nghiệm của nhiều giáo viên cho biết, nếu thỉnh thoảng trong lớp học rộn rã tiếng cười thì hiệu quả tiếp thu của học sinh, sinh viên tăng lên rất nhiều.

Tình trạng “triệt tiêu nụ cười” sẽ xảy ra khi sự đồng cảm, lòng nhân không còn. Không ai có thể “vẽ” một cách hay hơn trạng thái này bằng cụ Ngô Tất Tố khi cụ mô tả cảnh chị Dậu đi vay tiền! Những trường hợp tương tự nói lên rằng một khi không còn tiếng cười trong sự giao tiếp thì sự vô cảm là “bạn đồng hành” của các mối quan hệ thiếu nhân văn. Đừng nghĩ rằng tiếng cười sẽ làm giảm bớt tính nghiêm túc. Nó chỉ không nghiêm túc, thiếu hiệu quả khi bị lạm dụng. Không một người dân nào không nhớ đến nụ cười của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫu họ chưa gặp Người bao giờ! Tại sao? Bởi trong mỗi nụ cười của Hồ Chủ tịch đều có đủ lẽ nhân văn tự nhiên cần thiết mà mỗi người dân đều cảm nhận được những “thông điệp” rõ ràng và đầy đủ về sự tin tưởng, thông cảm, hiểu biết...

Năm mới đang bắt đầu. Hãy đến với nhau bằng những nụ cười. Càng nhiều thách thức, khó khăn thì chúng ta càng phải biết cách để cười. Trong các dạng thức ngôn ngữ của loài người, ngôn ngữ cử chỉ có một vị trí đặc biệt. Trong đó, nụ cười mang nhiều hàm nghĩa ấn tượng và súc tích nhất.

Tại sao người thầy không cười khi bước vào lớp học? Tại sao công chức đương nhiệm không mỉm cười khi tiếp đón người dân mà thay vào đó là vẻ mặt lạnh băng, vô cảm? Trong mọi cách thức để “hành xử theo cương vị, tình thế”, nụ cười đáp lễ với sự “cầu cạnh” (công chức tiếp người dân, thầy cô giáo chào học trò...), của người trên dành cho kẻ dưới trong những lúc “giao tiếp” với khó khăn, thử thách; đều là những biểu hiện của sự cảm thông và cần thiết của “văn hóa cười”. Nó minh chứng rằng sự bao dung, sẵn sàng phục vụ đang và sẽ được thực hiện với cấp độ cao nhất. Chỉ cần thấy quan chức mỉm cười, người dân, dẫu không thỏa nguyện, đã được an ủi rất nhiều.

Nếu làm được như thế, “liệu pháp cười” sẽ không còn là một liệu pháp nữa mà sẽ trở thành đặc trưng của một xã hội thực sự của dân, do dân, và vì dân. Đó là mơ ước của tất cả mọi người...

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.