Khác nhiều năm, năm nay nhiều khả năng hàng Tết chờ người mua, tìm người mua với nhiều chiêu khuyến mại, giảm giá, luân chuyển khôn khéo và hấp dẫn. Bình thường, vào thời điểm này, thị trường đã nóng lên nhưng năm nay hàng điện tử, đồ nội thất, vải lụa, giày dép… ngay cả đến lịch, vé tàu Tết, du lịch Tết đều có dấu hiệu bán chậm hơn. Thị trường ít nhộn nhịp là điều lo nhưng cũng có phần mừng.
Nỗi lo tăng giá luôn đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng trong mọi dịp Tết. |
Để phục vụ cho việc ăn Tết, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng nghìn tấn thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi sống, đông lạnh hoặc đã qua chế biến tinh; hàng nghìn tấn bánh, kẹo và cũng hàng nghìn tấn rau, củ, quả chưa kể vô số những mặt hàng khác như lá, lạt, nấm mèo, nấm hương, hoa, cây cảnh… nhưng không ai dám nói trước như vậy đã đủ chưa, đã đúng giá chưa và đã an toàn chưa. Đó là nỗi lo toan của nhiều ngành, nhiều địa phương trong dịp này cho cái Tết đầy đủ, an toàn, tiết kiệm, phấn khởi của người dân.
Sự lo toan đó là hoàn toàn có cơ sở vì trong những ngày này, gà lậu, phủ tạng động vật lậu và rất nhiều loại hàng lậu khác từ Trung Quốc; trâu bò lậu, thuốc lá lậu từ biên giới Tây Nam không qua kiểm dịch mỗi ngày hàng trăm tấn đang đổ vào nước ta.
Cùng với hàng lậu là tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm đang khá phổ biến ở nhiều nơi. Vào thời gian trước Tết một tháng, hầu hết các tỉnh, thành phố đều lập các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm trên thị trường và đều thu được những bản tổng kết rất đáng lo ngại. Theo Cục VSATTP, năm 2008, cả nước đã phát hiện 33.563 lượt doanh nghiệp vi phạm VSATTP, trong đó gần 2.000 doanh nghiệp bị thu hồi và tiêu hủy hàng hóa. Riêng trong tháng 11-2008 là tháng tập trung sản xuất hàng cho Tết Kỷ Sửu, tỷ lệ vi phạm VSATTP trong các cơ sở bánh kẹo, giết mổ gia súc, gia cầm tăng vọt so với các tháng trước đó.
Người ta đã phát hiện trong nhiều lô hàng thịt gia súc, gia cầm phục vụ Tết nhiều gà, vịt, ngan, lợn… đã chết trước khi chế biến; các loại rau, củ, quả dư lượng thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu quá cao. Gần 80% chè xanh khô được bán ở Hà Nội đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép, uống vào có thể bị ngộ độc. Hàng tấn bánh ngọt, kẹo ở Hà Nội đã bị thu hồi, tiêu hủy do chất lượng kém, do là hàng quá hạn, hàng giả…
Một nỗi lo nữa là nỗi lo tăng giá luôn đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng trong mọi dịp Tết. Không chỉ mặt hàng tươi sống là loại hàng được mệnh danh là… không bao giờ hạ giá, tuy hàng hóa không thiếu nhưng nhiều mặt hàng ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… vẫn đang đội giá từng ngày, rõ nhất là bia, rượu, trái cây, hoa cảnh, quần áo ấm. Lo quanh năm cho lời lãi dịp Tết, hệ thống thương mại từ bán buôn đến bán lẻ chỉ chờ một chút lơi lỏng là nâng giá, bán không đúng giá niêm yết, tạo ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi.
Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không an toàn, những cơn sốt ảo bởi tin đồn nhảm và muôn nghìn cách kiếm lợi không lương thiện đang thử thách hệ thống chính quyền, đoàn thể, trong đó có lực lượng quản lý thị trường trong một nhiệm vụ ngắn gọn nhưng không đơn giản là lo Tết cho dân.
Vũ Duy Thông