.

Nâng tầm pháo hoa

Theo kế hoạch, cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế (DIFC) sẽ tiếp tục khai diễn lần thứ hai vào các ngày 27 và 28-3-2009 tại thành phố Đà Nẵng.

 Mở màn lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2008, DIFC đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước, tạo nên dấu ấn đột phá về một sản phẩm du lịch mới, làm đa dạng hóa thêm nền văn hóa vốn dĩ rất phong phú của cộng đồng các dân tộc miền Trung-Tây Nguyên. Tuy nhiên, để DIFC có thể trở thành một thương hiệu hoàn chỉnh, thực sự hấp dẫn và có sức sống lâu dài, nên có một kế hoạch dài hơi nhằm nâng cấp toàn diện sản phẩm du lịch này lên ngang tầm khu vực và quốc tế, thể hiện sự nhất quán với mục tiêu: Vừa chuyên nghiệp, vừa mang tính đại chúng.

Nâng cao tính chuyên nghiệp là con đường cơ bản để tự hoàn thiện, qua đó khẳng định năng lực hội nhập theo những chuẩn mực, thông lệ, hoặc luật chơi đã được chấp nhận một cách phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Cuộc thi bắn pháo hoa không thể là ngoại lệ. Tại cuộc thi năm nay, trước hết, Đà Nẵng phải thể hiện rõ sự chuyên nghiệp hơn hẳn về bắn pháo hoa so với năm ngoái, cả về trình độ kỹ thuật lẫn nghệ thuật biểu diễn, nhất là không cho phép tái diễn “sự cố ngắt quãng” làm hụt hẫng sự hứng khởi của hàng vạn du khách.
 
Điều quan trọng là cần vượt qua sự thiếu tự tin khi bước vào những sân chơi lớn và mới lạ, với sự chuẩn bị kỹ càng về lực lượng, huy động được sức mạnh tổng hợp của “lợi thế sân nhà” để cùng cạnh tranh lành mạnh với những đối thủ xứng tầm. Đối với một sân chơi chuyên nghiệp, khả năng nuôi dưỡng và huy động được nguồn lực tài chính luôn là vấn đề có ý nghĩa quyết định, chính vì vậy cần nghiên cứu đưa ra những cách thức phù hợp để vừa vận động được sự đóng góp tự nguyện và rộng rãi của cộng đồng, vừa thu hút được tài trợ của các nhà doanh nghiệp và các mạnh thường quân.

Công bố số tài khoản, tạo điều kiện cho việc đóng góp được diễn ra một cách dễ dàng ở mọi nơi, mọi lúc, với mọi mức độ tài chính khác nhau. Việc huy động tài chính không chỉ làm theo đợt “Đến hẹn lại lên”, mà nên xác định trước ít nhất một năm về lộ trình và địa điểm tổ chức cuộc thi, qua đó ủy thác cho đơn vị vận động tài trợ tiến hành công tác truyền thông tiếp thị và tìm kiếm đối tác phù hợp.

Tiến hành xác định những khu vực được hưởng lợi nằm trong “Vùng hội thi bắn pháo hoa” như dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch... để quy định nghĩa vụ đóng góp tài chính, cộng đồng trách nhiệm cùng chính quyền địa phương theo phương thức đôi bên cùng có lợi. Một nội dung không kém phần quan trọng, đó là cho công khai nội dung kết toán chi phí qua mỗi kỳ tổ chức trên các phương tiện thông tin đại chúng, xem đó như là một thông điệp tri ân về những đóng góp của cộng đồng đối với sự nghiệp quảng bá, khuếch trương hình ảnh du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Cuộc thi bắn pháo hoa trên thực tế không còn là sân chơi riêng rẽ của một tổ chức hoặc cá nhân nào mà đã trở thành là ngày hội lớn của đại đa số quần chúng. Rút kinh nghiệm của cuộc thi lần đầu, công tác tổ chức thi đấu và vận động sự tự giác tham gia của quần chúng là nhân tố cực kỳ quan trọng để bảo đảm cuộc vui diễn ra trong không khí trật tự, văn minh, mang lại cảm giác hồ hởi, an toàn, ấm cúng cho du khách trong và ngoài nước, tôn vinh thêm sự quyến rũ của thương hiệu “Pháo hoa Đà Nẵng” nói riêng và thành phố Sông Hàn nói chung.

Trong đợt vận động này, không nên kêu gọi chung chung mà cần chỉ ra một cách cụ thể về những việc nên làm và không nên làm để cho mọi người dân biết và thực hiện. Dĩ nhiên, chỉ một cuộc vui sẽ không xây được nghiệp lớn, mà nên xem đây như là cơ hội tốt góp phần đưa Đà Nẵng bứt phá xa hơn đến mục tiêu quan trọng, đó là tiếp tục phát huy sự đồng thuận xã hội, tôn vinh phương châm đã trở thành truyền thống, đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng  “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm tiến nhanh và tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa thành phố thân yêu của chúng ta.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.