Thời buổi kích cầu đang mang lại những thay đổi cơ bản về khuynh hướng tiêu dùng trong xã hội. Ngoại trừ những thành phần có thu nhập cao, mặc dù lực lượng này không chiếm số đông, nhưng hành vi tiêu dùng truyền thống vẫn là chuộng hàng cao cấp, nhất là hàng ngoại hoặc hàng hiệu, chất lượng là ưu tiên số một, tiền bạc không còn là chuyện lớn.
Tuy nhiên, đối với đại đa số trung lưu và thu nhập thấp, gọi tắt là “tầng lớp bậc trung”, trong điều kiện kinh tế eo hẹp, họ trở nên cân nhắc và tính toán nhiều hơn khi đóng vai trò là người tiêu dùng thực thụ. Quy mô tiêu dùng ít đi, không chạy theo mốt thời thượng hoặc nhu cầu chưa thực cần thiết, lựa chọn “điểm rơi” hợp lý để có thể mua sắm sao cho có lợi nhất về giá cả và chất lượng hàng hóa, phân bổ thu nhập mang tính dự phòng cho tương lai nhiều hơn... là đặc điểm chung phổ biến của xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Nếu xét về tương quan cung - cầu thị trường, tầng lớp tiêu dùng bậc trung chính là lực lượng có tầm ảnh hưởng rộng nhất và tác động chi phối trực tiếp đến hiệu quả chính sách kích cầu của Nhà nước, thông qua đó tạo động lực tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh giảm phát, cung hàng hóa dồi dào, giá cả rẻ đi với tốc độ nhanh chóng, người tiêu dùng cũng đang “đảo ngôi” từ chỗ bị động chạy theo thị trường, thậm chí trước đây bị bắt chẹt nhiều thứ, nay chuyển sang vị thế được săn đón, chào mời, kể cả được quyền ra điều kiện đối với nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ.
Những cuộc đua về khuyến mãi đang diễn ra một cách sôi động trên thương trường, ở hầu khắp các lĩnh vực, với nhiều chiêu thức khác nhau nhằm lôi kéo và gia tăng sức mua phần nào phản ánh thực tế về sự quay trở lại của khái niệm “Quyền lực người tiêu dùng”. Khái niệm này chiếm vị trí trung tâm trong lý thuyết kinh tế thị trường hiện đại, thông qua đó chỉ rõ tôn chỉ hoạt động của một hệ thống thương trường đúng nghĩa.
Đó phải là nơi thể hiện sự tôn vinh vai trò của “Người tiêu dùng thông thái”, với những hành vi ứng xử đúng mực, không chỉ tiêu dùng tương xứng trong phạm vi thu nhập làm ra mà còn chủ động đóng góp vào sự lành mạnh của cộng đồng xã hội. Đó còn là nền tảng quyết định để khởi động và phát triển những nhà sản xuất, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, luôn tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng như chính lợi ích của bản thân mình.
Trên thực tế, đang tồn tại khá nhiều khập khiễng về nhận thức vai trò của người tiêu dùng, kể cả những ngộ nhận đáng tiếc, dẫn đến nhiều hiện tượng như “\hàng giả, hàng dỏm, hàng nhiễm độc...” tràn lan, mà một phần nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa chủ động và tích cực phát huy ảnh hưởng của mình.
Đề cao vai trò của người tiêu dùng trong bối cảnh kích cầu hiện nay còn là một sự gợi ý thú vị cho những nhà làm chính sách. Hiện nay đang diễn ra sự tranh luận về các phương án khác nhau để sử dụng “Gói kích cầu” sao cho có hiệu quả, có thể kích thích lĩnh vực sản xuất để gia tăng sản lượng và đẩy mạnh tăng trưởng hay là chỉ tập trung vào khâu tiêu dùng để mở rộng thị trường, qua đó góp phần nâng cao mức sống nhân dân? Đây là bài toán phức tạp nhằm xử lý cả về mặt sách lược lẫn chiến lược phát triển kinh tế, nhưng điều kiện tiên quyết đặt ra là không được phép để lãng phí cơ hội và nguồn lực đầu tư quý báu này trong hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo và còn rất nhiều việc phải lo toan.
Chính vì vậy, phương án tốt nhất là nên chọn cả hai giải pháp, vừa kích cầu tiêu dùng ở một bộ phận nhân dân đang ở mức chuẩn nghèo và dưới nghèo, đồng thời tập trung kích cầu đầu tư vào những lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ... có ảnh hưởng lâu dài đến quốc kế dân sinh, làm nền cho tăng trưởng về mặt dài hạn. Đó chính là cách thức đề cao hành vi tiêu dùng thiết thực, ích lợi nhất cho toàn bộ đất nước và người dân của chúng ta.
VĨNH PHƯỚC
.
.
Quyền lực người tiêu dùng lên ngôi?
Thứ Tư, 07/01/2009, 10:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.