.

Tết của phần còn lại

Khi rời mắt khỏi trang báo này và ngước mắt nhìn ra đường, có thể bạn bắt gặp ngay những hình ảnh quen thuộc. Đó là chú bé đánh giày, những em bé bán kẹo dạo, những thiếu nữ gồng mình với gánh mưu sinh. Khi phần lớn trong chúng ta đã bắt đầu sửa sang, mua sắm áo quần, chuẩn bị thực phẩm, kế hoạch chơi Tết… thì một bộ phận trong cộng đồng vẫn vật vã lo toan chuyện cơm áo hằng ngày.
 
Có lẽ, Tết của họ chỉ là dịp để kiếm thêm vài đồng trả tiền thuê nhà, mua ít thức ăn, dành dụm ít tiền cho Giêng, Hai. Một thiếu nữ còn rất trẻ thường dạo qua nơi tôi công tác. Cô đến từ huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, mang theo một đứa em trai. Chị bán bóng bay, em đánh giày. Khi được hỏi khi nào về quê ăn Tết, cô bảo phải chờ ra Giêng. Bây giờ về thì tàu xe đắt đỏ, với lại, tranh thủ dịp Tết có thể chị em cô cũng kiếm thêm được ít tiền. “Tết nhất gì anh”, cô nói vậy rồi tiếp tục vác lên vai cây bóng bay lẫn vào phố phường tấp nập.

Lại cũng có những người khác Tết nay vẫn mịt mù đâu đó trong cơn bão suy thoái kinh tế. Ấy là hàng vạn công nhân bị mất việc làm, thu nhập, riêng ở Đà Nẵng đã có khoảng 4.500 người. Nhiều chị em công nhân mỏi mòn trông đợi khoản tiền trợ cấp ít ỏi để mua vé xe về quê đoàn tụ gia đình, sau những ngày dài miệt mài lao động ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp và nỗi cô đơn. Chính họ là những người thiệt thòi nhất, bị tổn thương nhiều nhất trong tình cảnh khó khăn chung.

Nhà nước, các nhà hảo tâm đang nỗ lực sẻ chia với phần gặp khó khăn trong cộng đồng. Những nỗ lực đó đang ngày một mạnh mẽ hơn, phần nào xoa dịu nỗi lo toan. Nhưng Nhà nước và các nhà hảo tâm không thể đem đến từng miếng cơm, manh áo cho tất thảy những con người ấy. Chính sách áp dụng cho toàn xã hội chứ không thể len lỏi đến mỗi phận người.
 
Các nhà hảo tâm dù có dốc cạn hầu bao cũng không thể nào chia sớt hết gánh nặng trên vai người nghèo đói. Bởi vậy, cái mà phần khó khăn trong cộng đồng cần hiện nay không chỉ là chính sách, là tiền từ ngân quỹ hay sự trợ giúp của các nhà hảo tâm; họ đang cần đến sự quan tâm, san sẻ, động viên của tất thảy mọi người trong xã hội.
 
Nói cách khác, đó là sự đồng tâm của toàn xã hội. Bạn, người đang đọc bài viết này chứ không phải ai khác, chính là người mà những người nghèo đó đang trông đợi. Thiết tưởng, ngay lúc này, câu khẩu hiệu “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” cần được hiểu một cách toàn vẹn hơn bao giờ hết.
 
Sẽ là lý tưởng nếu mỗi một cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức Nhà nước là một người thực hiện chính sách; mỗi một người có thu nhập là một nhà hảo tâm. Nếu làm được điều đó, thiết tưởng, chúng ta đã mang về cả một mùa xuân lớn lao đến cộng đồng nghèo khó của chúng ta!

NGUYÊN QUÁN

;
.
.
.
.
.