.

Tết và an sinh xã hội

Để chuẩn bị đón Xuân Kỷ Sửu, cùng với thực hiện các khoản quà Tết theo quy định (và được chi từ ngân sách), Trung ương, thành phố đã dành kinh phí khá lớn, trợ cấp Tết cho:

- Những người và gia đình có côngvới nước.
- Những gia đình nghèo, những người bất hạnh đang gặp khó khăn trong đời sống.
- Và nhiều đối tượng khác như hơn 26.000 cán bộ hưu trí (600.000 đồng/người), hàng ngàn cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở từ phường, xã đến tổ dân phố... và 3.321 người hành nghề xe thồ, xích lô.

Có thể nói, đây là một biểu hiện cụ thể của thực hiện bảo đảm an sinh xã hội vào một thời điểm nhạy cảm: Ngày Tết cổ truyền dân tộc đến trong bối cảnh suy giảm kinh tế làm cho người lao động và các tầng lớp nhân dân phải gánh chịu nhiều khó khăn. Cũng có không ít người không thuộc diện khó khăn nhận được món quà này, cũng là chuyện lì xì ngày Tết bình thường vui vẻ.

Với số tiền khá lớn, đối tượng thụ hưởng khá rộng, việc chăm lo Tết cho mọi người, mọi nhà của Đảng bộ và chính quyền thành phố nói lên nhiều điều:

- Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, năm 2008 thu vượt kế hoạch, bảo đảm chi thường xuyên, đầu tư phát triển, có tích lũy – kết dư. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Đây là cơ sở để thành phố có thể làm những việc hợp lòng người.

- Bằng việc làm thiết thực không phải bằng lời nói hoa mỹ, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã cố gắng khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, chế độ của dân, do dân, vì dân.

- Một khoản tiền lớn chi từ ngân sách tức là từ sự đóng góp của dân trở về với dân. Người dân thấy sự đóng góp của mình được dùng vào những việc nhân nghĩa, sẽ có hiệu ứng tích cực trong huy động sức dân những ngày đang tới.

Có người nêu ý kiến trợ cấp Tết là tốt, nhưng mức trợ cấp còn hơi bị thấp. Đúng là mong muốn về nguồn thu “đồng tiền tháng chạp” của mọi người, mọi nhà trong những ngày này là rất lớn vì có quá nhiều nhu cầu, mà chính do nhu cầu của mọi người tăng đột biến nên giá cả cũng đang leo thang. Nhưng nên nhớ là thành phố ta, nước ta mới chạm và vượt ngưỡng 1.000 đô la/người/năm, nghĩa là có tiến bộ nhiều so với mình trước đây nhưng vẫn còn là nước nghèo, chậm phát triển.

Qua báo chí, chúng ta biết có những cơ sở thưởng Tết chỉ có 50.000 đồng và có nơi thưởng bằng hiện vật cũng chỉ là nửa kg hạt dưa + 1 gói bột ngọt (dưới 100.000 đồng). So với những nơi đó thì mức 600.000 đồng cũng là hạnh phúc hơn nhiều. Đó là chưa nói có nơi người lao động mất việc, bị nợ lương đang xoay xở chạy ăn từng bữa.

Theo các bà nội trợ đảm đang, với 600.000 đồng có thể sắm được nửa kg hạt dưa, nửa kg mứt gừng, 4 cái bánh chưng, 1 kg thịt heo và phần còn lại sửa soạn một mâm cúng ông bà tươm tất với đủ hương, hoa, trà, rượu. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, đây là điều có thể chấp nhận tích cực.
Với một người, một nhà mức 600.000 đồng có thể là nhỏ, nhưng thành phố lo cho cả trăm ngàn người thuộc đủ các diện thì con số là rất đáng kể. (Mong rằng sau Tết, thành phố sẽ tổng hợp công khai các khoản chi hỗ trợ Tết cho bàn dân thiên hạ biết).

Và phải tính đủ các khoản chi khác trực tiếp và gián tiếp lo Tết cho dân (như 1.000 tấn gạo dành tặng người nghèo), lo cho thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp và có các điểm văn hóa, văn nghệ vui chơi giải trí rộn rã, vui tươi để những ngày Tết đúng là ngày hội lớn của dân.

Cũng phải kể vào đây hoạt động của các tổ chức từ thiện nhân đạo, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, v.v..., chia sẻ từ nguồn phúc lợi, tranh thủ sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, để có hàng ngàn phần quà đến với những người nghèo, bất hạnh trong dịp Tết này. Dù đã cố gắng đến mức cao nhất, chúng ta càng không thể chủ quan, không được cho là đã làm đầy đủ, không thể làm gì tốt đẹp hơn.

Cuộc sống vô cùng phong phú, phức tạp, có nhiều cảnh đời chúng ta không thể hình dung nổi. Khi giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh, chúng ta thường đưa ra một số tiêu chí và hướng vào những người ở trong khung các tiêu chí đó.

Nhưng cuộc sống là đa dạng và biến hóa khôn lường, có những trường hợp không nằm trong một khung tiêu chí nào nhưng lại rất cần sự giúp đỡ kịp thời. Một gia đình vốn đã khó khăn, năm hết Tết đến lại có người thân qua đời. Một gia đình đang sống yên bình, không sung túc nhưng cũng là tạm đủ bỗng dưng gặp tai họa. Một người vì lý do nào đó cố che giấu nỗi cơ cực của mình. Chuyện ấy ngày thường cũng là rất nên quan tâm, ngày Tết càng cần được quan tâm hơn. Thế nhưng, ngày cận Tết ai cũng bận rộn với công việc của gia đình mình. Và có thể trở nên thờ ơ với nỗi đau của người chung quanh vào lúc cần cảm thông chia sẻ nhất.

Và tất nhiên điều cơ bản là hãy tập trung xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững trên đất nước này, thành phố này, tạo môi trường để mọi người dân đều có việc làm, có thu nhập, có cơ hội làm giàu cho mình và cho xã hội, bảo đảm cuộc sống, có dự trữ, có bảo hiểm, để trừ những trường hợp éo le đặc biệt, còn mọi người, mọi nhà đều tự lo được cuộc sống của mình, để những người, những gia đình cần có sự cưu mang, trợ giúp trong ngày thường cũng như ngày Tết, sẽ là một số nhỏ, rất nhỏ. Mong sao dù là số nhỏ, rất nhỏ thì những cảnh đời ấy sẽ không bị lãng quên mà vẫn được quan tâm.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.