.

Tiền tệ 2009

Có thể tóm tắt một cách ngắn gọn về thành quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2008, đó là “Vượt ải thành công”. Nét nổi bật nhất trong tổng thể các nỗ lực chống lạm phát không chỉ dừng ở chỗ đã kiểm soát, khống chế được tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà quan trọng hơn chính là nâng cao năng lực thích nghi, làm chủ tình hình và ứng xử linh hoạt của hệ thống kinh tế nước nhà trước những biến cố dồn dập của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trước một cục diện quá nhiều rối ren, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn trụ vững, cơ bản giữ được thế ổn định, đồng thời đảm đương khá tốt vai trò xung kích trên cả hai mặt trận vừa kiềm chế lạm phát hiệu quả vừa ra sức chống suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, ẩn số khó khăn nhất đặt ra cho chính sách tiền tệ năm 2009 và những năm tiếp theo chính là diễn biến suy giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn còn đang rất ngổn ngang, phức tạp, thậm chí chưa tìm thấy lối ra. Mọi khả năng đều trở nên khó lường hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng trải nghiệm và xử lý, điều này có tác động thường trực đến sự an nguy của nền kinh tế đất nước.

Bài học kinh nghiệm đầu tiên cần rút ra trong hoạt động điều hành vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng đó là đừng bao giờ để mình trở thành “tù nhân” của các kết quả dự báo kinh viện thuần túy, giáo điều, xa rời thực tiễn, hay nói cách khác là những dự báo tồi. Dự báo điều hành chính sách phải là kết quả của một chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có tính sáng tạo và nghệ thuật cao, điều tối quan trọng trong thời buổi hội nhập là phải đáp ứng được tiêu chí “Tư duy toàn cầu - Hành động cụ thể”.
 
Mọi kịch bản dự báo vĩ mô cần phải được thể chế hóa và công khai hóa, chấp nhận mọi sự phản biện tích cực, từ đó mới có tác dụng định hướng hành vi ứng xử hiệu quả cho mọi chủ thể liên quan trong nền kinh tế. Bài học quan trọng thứ hai đó là khả năng phát huy nội lực nền kinh tế, thông qua đó nâng cao trình độ ứng phó linh hoạt của chính sách tiền tệ.

Lần đầu tiên, Việt Nam chính thức công khai dự trữ ngoại tệ năm 2008 ở mức gần 21 tỷ USD. Con số này xem ra không lớn khi so sánh với những nước trong khu vực cũng như so với quy mô đang phát triển nhanh của nền kinh tế, tuy nhiên động thái này thể hiện bước đột phá mới về tư duy điều hành, sự tự tin vào khả năng nguồn lực đất nước, thông qua đó gửi đi một thông điệp đáng tin cậy và có hiệu lực trong quá trình bình ổn tâm lý, mang lại hiệu ứng tích cực trong điều hành tỷ giá theo định hướng kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ xuất khẩu.

Một bài học khác thực sự có ý nghĩa chiến lược đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế điều hành vĩ mô, đó là cần cân nhắc đầy đủ vai trò trung tâm chính sách tiền tệ trong cơ chế thị trường hiện đại để đưa ra sự lựa chọn sáng suốt giữa mục tiêu ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện đất nước còn kém phát triển, nhu cầu tăng trưởng trên mọi lĩnh vực rất bức xúc, dễ dẫn đến hệ quả đặt nặng mục tiêu tăng trưởng hơn là tôn trọng các quy luật vận hành tiền tệ, tư duy này không sớm thì muộn sẽ buộc nền kinh tế phải trả giá.

Xét trên cả khía cạnh lý thuyết và thực tiễn, hiện có rất nhiều khái niệm thú vị về vai trò tiền tệ. Kinh tế chính trị xem tiền tệ như là “Hàng hóa đặc biệt” , “Vật ngang giá chung”. Trong cuộc sống đời thường dân gian lại ví von tiền tệ như là phương tiện hội tụ nhiều sức mạnh vạn năng theo kiểu “Có tiền mua tiên cũng được”. Khi đi vào bình diện quốc gia, tiền tệ đã trở thành công cụ điều hành vĩ mô vô cùng hệ trọng đối với tương lai phát triển đất nước.
 
Bất luận thế nào đi nữa, chìa khóa thành công của chính sách tiền tệ trong năm 2009 không thể xa rời phương châm “Đồng tiền đi liền khúc ruột”. Tạo sức hấp dẫn và lòng tin yêu đối với đồng tiền Tổ quốc, biết nâng niu quý trọng từng đồng vốn, có cơ chế sử dụng nguồn lực quốc gia thực sự hiệu quả, chắc chắn tiền tệ sẽ chứng minh được vai trò hữu hiệu và không thể thay thế của mình trong đời sống kinh tế-xã hội nước nhà.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.