Vấn đề y đức, lâu nay đã bàn nhiều. Và không chỉ có chuyện bàn luận, mà điều đó thực sự đã trở thành khẩu hiệu hành động, bởi dường như ở hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế đều treo tấm biển ở nơi trang trọng mà tất cả mọi người dễ nhìn thấy, ghi rõ lời dặn dò của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”.
Phải công bằng nhận xét, vấn đề y đức lâu nay không chỉ hô hào suông. Ở nhiều địa phương trên cả nước, thật khó có thể kể hết những điển hình về người thầy thuốc thực hiện lời dạy của Bác, tận tâm với nghề, yêu quý bệnh nhân như người thân và thực sự là tấm gương trong sáng, đẹp đẽ được mọi người kính trọng, ngưỡng mộ và vinh danh. Đã có những người thầy thuốc suốt đời gắn bó với vùng sâu, vùng xa, tận tụy cứu chữa biết bao người, thậm chí còn nhận nuôi cả những đứa trẻ suýt bị thiệt mạng do tập tục lạc hậu; những y bác sĩ không dưới 30 lần hiến máu cứu sống bệnh nhân; nhiều bác sĩ, tiến sĩ y khoa… chịu đựng cả hơn chục giờ đồng hồ trong phòng mổ hoặc ngồi miệt mài hằng năm trời trong phòng thí nghiệm…
Nhưng rõ ràng chúng ta chưa hết lo ngại, khi mà ở đâu đó vẫn còn xảy ra cảnh phản cảm: tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước bệnh nhân, nhất là đối với bệnh nhân nghèo; những quầy bán tân dược tăng giá khủng khiếp “cắt cổ” bệnh nhân để kiếm lời bất chính; tình trạng nhận phong bì vẫn tồn tại dai dẳng ở các cơ sở khám chữa bệnh; chỉ định phẫu thuật lấy thai nhi không phải do yêu cầu về bệnh lý mà “tuân thủ” theo sự “đặt hàng” của người nhà bệnh nhân…
Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, trả lời phỏng vấn báo giới, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, người vừa nhận trọng trách Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định: “Học thuật giỏi chưa đủ, mà nghề y phải biết đau cùng người bệnh”. Ông nói: Là người có kinh nghiệm trong điều trị lâm sàng và hiện nay lại làm công tác quản lý, tôi nhận thấy ngoài nhiệm vụ đào tạo chuyên môn, vấn đề trau dồi y đức sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà trường…
Nếu không, người bác sĩ có giỏi mấy đi chăng nữa, chỉ trở thành cỗ máy thì còn nguy hiểm hơn nhiều. Ông cho rằng, về y đức, tuy trường đã có môn học này nhưng chưa đi sâu và nay cần phải đổi mới phương thức giảng dạy; giáo viên cần truyền cho học sinh của mình tấm lòng nhân ái của người thầy thuốc; cần động viên, giúp các bác sĩ tương lai có tâm với người bệnh…
Tại buổi lễ báo công dâng Bác, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã hứa với Bác, ngành y tế phấn đấu đến năm 2010, 100% phòng khám đa khoa khu vực được xây dựng kiên cố và có bác sĩ; 100% xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện tại địa phương; 80% số xã có bác sĩ (miền núi là 60%); không ngừng củng cố nâng cao tinh thần y đức và quy tắc ứng xử trong bệnh viện…
Dĩ nhiên, để ngành y tế phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu phục vụ nhân dân, rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, song, riêng vấn đề y đức, lại là vấn đề thuộc phạm vi chủ quan của ngành. Việc này, đặc biệt nên tránh hô hào suông mà phải đi vào thực chất. Người dân rất mong “tệ phong bì” được ngăn chặn và đẩy lùi khỏi “nhà thương”; mong các vị lãnh đạo ngành y tế năng “vi hành” đến cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ nào đó để thấy giá một lượt khám bệnh ngất ngưởng đến thế nào; hoặc đơn giản hơn là mong những thông điệp của họ gửi vào “Hòm thư góp ý” được các vị lãnh đạo các đơn vị thuộc ngành y tế xem xét nghiêm túc, v.v…
HẢI HÀ
.
.
Biết đau cùng người bệnh
Thứ Sáu, 27/02/2009, 07:50 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.