.

Chứng khoán năm Kỷ Sửu

Năm Mậu Tý (2008) chứng kiến nhiều thời khắc “bĩ cực” chưa từng thấy của thị trường chứng khoán Việt Nam qua giai đoạn 8 năm thành lập cho đến nay. Biểu hiện đầu tiên là chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh gần 70% trên cả hai sàn HOSE và HASTC.

Cuối năm 2007, tổng giá trị vốn hóa đạt đến 40% GDP, đây thực sự là một tỷ lệ đáng mong ước cho mọi thị trường mới nổi như Việt Nam, tuy nhiên vào cuối năm 2008, giá trị này bị ngược dòng và tụt giảm quá nhanh, hiện chỉ còn không đến 20% GDP. Điều đáng nói hơn là lòng tin trên thị trường chứng khoán bị thử thách một cách nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đang lan tràn. Đã có không ít nhà đầu tư tháo chạy, thậm chí vĩnh viễn khỏi sàn giao dịch, có trường hợp lụn bại gia sản, nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều nhà đầu tư can trường, tỉnh táo, và không ai khác, chính họ sẽ là nhân tố cứu tinh cho sự khởi sắc trong tương lai của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm Kỷ Sửu (2009), cùng với sự ổn định dần của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, cả nước đang nỗ lực kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm tăng trưởng. Hơn lúc nào hết, mục tiêu đặt ra là phải nhanh chóng khôi phục vị thế đồng hành của hai định chế chứng khoán và ngân hàng trong tư cách là hai cột trụ quan trọng nhất nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược tập trung và phân phối vốn cho nền kinh tế.

Sự hồi sinh của thị trường chứng khoán không chỉ giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư sinh lời, mà quan trọng hơn sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, cổ vũ cho trào lưu đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính và sức mạnh hội nhập cho toàn bộ nền kinh tế.

Một trong những vấn đề chiến lược mà thị trường chứng khoán cần phải tập trung giải quyết trong năm 2009 đó là tối đa hóa các chủ thể đủ điều kiện tham gia niêm yết, gia tăng hơn nữa số lượng các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đi đôi với tối thiểu hóa các “lỗ hổng” về pháp lý, cũng như tăng cường tính minh bạch và công khai hóa trên thị trường.

Đứng trên giác độ lợi ích toàn cục, rõ ràng chúng ta không thể và không cho phép đánh đổi sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế bằng những chỉ số “bong bóng” hoặc sự bùng nổ vô định trên thị trường. Sự trồi sụt của chỉ số VN-Index hoặc HASTC nếu có, nên xem đó như là sự phản ánh nhất thời của biến động tâm lý và thời cơ kinh doanh, là chuyện thường ngày của thương trường, chứ tuyệt nhiên không đại diện chung cho xu thế chủ đạo đang thực sự chi phối nền kinh tế.

Chứng khoán, suy cho cùng là cuộc chơi trên thương trường cao cấp, đòi hỏi trí tuệ, lòng tự tin và sự tỉnh táo đạt đến tầm mức chuyên nghiệp. Nếu ai đó nghĩ khác đi thì chính họ đã và đang dấn thân vào con đường “thử thời vận bằng sự may rủi” hoặc nói một cách dân dã hơn, đó là “đỏ đen cờ bạc”, mà kết quả sẽ không ngoại trừ một kết thúc “có ngày tàn mộng, bỏ cuộc chơi”.
 
Sự suy giảm mạnh chỉ số chứng khoán năm 2008 ngoài tác dụng là lời cảnh báo có giá trị, đó còn là cơ hội để chúng ta tự nhìn nhận lại, tiếp tục tiến bước trên thực lực và đôi chân của chính mình. “Tất cả mọi thứ sẽ qua đi”- lời nhắn nhủ mang đầy tính triết học của Các Mác một lần nữa tựa như lời khuyên hữu ích để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vững tin, bước vào  năm Kỷ Sửu với nhiều hy vọng, thắng lợi mới, toàn diện hơn.

VĨNH PHƯỚC

;
.
.
.
.
.