.

Nhức nhối nạn bạo hành gia đình!

1. Kinh Thánh nói rằng Tạo hóa đã lấy chiếc xương sườn thứ 7, bên trái của Adam (nghĩa là “người đầu tiên”) để tạo ra Eva (nghĩa là “người mẹ”). Ẩn dụ của truyền thuyết thật rõ ràng: Cái xương sườn thứ bảy đó sẽ làm cho người đàn bà luôn ở gần cánh tay - sẽ được người đàn ông che chở và gần trái tim để luôn được yêu thương! Truyền thuyết và tính ẩn dụ của nó thật tuyệt vời bởi đó là nguyên tắc tạo nên sự đầm ấm và hạnh phúc của mọi gia đình. Cũng chính nhờ thế nên gia đình mới trở thành các tế bào vững chắc của một xã hội ổn định.

Sự phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển đã làm thay đổi diện mạo và đặc thái xã hội không phải từng ngày mà là từng giờ. Rất tiếc là do quá nôn nóng bởi các lợi ích vật chất, những giá trị tinh thần (tình cảm, tâm lý…) nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày một xa nhau hơn. Áp lực của đời sống căng thẳng lại càng làm gia tăng khoảng cách đó. Đây là nguyên nhân thứ nhất của sứt mẻ - mâu thuẫn - xung đột - bạo lực - đổ vỡ.

Nguyên nhân thứ hai là do “truyền thống” coi thường, khinh rẻ phụ nữ. Sự xúc phạm phụ nữ không được cảnh báo và uốn nắn từ nhỏ. Nguyên nhân thứ ba là sự mặc cảm của người đàn bà, nỗi xấu hổ, khi chuyện “đóng cửa bảo nhau” bị tiết lộ ra bên ngoài. Thậm chí, có không ít người vợ còn cho rằng nhẫn nhục cam chịu là “thiên chức”, “bổn phận”.

Nguyên nhân thứ tư là sự thờ ơ, coi thường bạo hành gia đình (BHGĐ). Nếu tổ dân phố, khối, xóm can thiệp và uốn nắn ngay từ đầu thì sự việc có thể giảm bớt hoặc không đến mức trầm trọng. Mặt khác, những chế tài mà pháp luật có thể áp dụng với các hành vi BHGĐ hầu như thiếu tác dụng bởi nó ràng buộc với các quy định như gây thương tích đến 11% (đủ để truy tố); người bị hại phải có đơn từ, theo kiện…
 
Ngay cả Nghị định mới nhất mà Chính phủ công bố ngày 19-2-2009 (NĐ 19/2009/NĐ-CP), quy định rằng chồng đánh vợ có thể bị tạm giam 12 giờ thì cũng chỉ dừng ở mức cho kẻ có “chức vụ chồng” tỉnh giấc sau một cơn… say!

2. Một số dẫn chứng có thể cho chúng ta nhìn rõ hơn “bức tranh” bạo lực và những nguy hại mà tình trạng BHGĐ gây nên. Chỉ tính riêng ở Sóc Trăng, trong năm 2008, đã có đến 290 trường hợp uống thuốc sâu tự tử, phần lớn do BHGĐ (Vietnamnet, 1-2-2009). Khảo sát ở 8 tỉnh, thành phố, Hội LHPN Việt Nam cho biết, có 23% gia đình bị bạo lực về thể chất; 25% bạo lực tinh thần; 30% vợ chồng có sự ép buộc tình dục (Việt Báo, 15-12-2007)

3. Những đối tượng bị BHGĐ nhiều nhất là người vợ (80%), tiếp đó là trẻ em (15%) và người già (5%). Các hình thức bạo hành diễn ra thiên hình vạn trạng. Nguyên nhân lớn nhất của bạo lực là rượu và các khó khăn kinh tế (chiếm 60% cho mỗi loại). Cũng phải thấy rằng quan niệm “Đèn nhà ai nhà ấy rạng” đã gián tiếp làm gia tăng bạo lực, bởi ngay sau những trận đòn đầu tiên, người chồng thấy “yên ổn” thì bạo lực đã mặc nhiên được “bình thường hóa”.

Giải pháp về lâu dài là phải thay đổi cách giáo dục, đặc biệt là ở cấp trung học cơ sở, bởi phần lớn những ông chồng “thích” bạo lực không học lên nữa. Giải pháp ngắn hạn là Nhà nước phải có chính sách đồng bộ trong việc xóa đói giảm nghèo. Nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, hàng vạn người thất nghiệp sẽ tạo nên sự gia tăng BHGĐ.

Các giải pháp cụ thể gồm 3 vấn đề: giáo dục chồng, gia tăng năng lực tự tin của người vợ và giải quyết bằng pháp chế (tạm gọi là “công thức 3G”). Các tổ dân phố, khối, xóm phải có trách nhiệm rõ ràng trong chuyện BHGĐ. Phải coi đây là một công việc của bổn phận. Nhà nước cần có các chế tài cụ thể hơn. Chẳng hạn gây thương tích đến 11% là chuyện ở ngoài đường phố, còn trong gia đình, chỉ 5% thôi đã đáng bị truy tố rồi bởi tình tiết tăng nặng do sự chà đạp, vùi dập lên đạo nghĩa vợ chồng, đạo lý gia đình.

Chuyện của vợ chồng, gia đình luôn là câu chuyện khó nói nhất trên đời bởi nó là tổng hòa của mọi “nguyên tắc” phức tạp nhất. BHGĐ là hậu quả của rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, phải ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này. Nếu không thế, xã hội sẽ bất ổn và, nhất là, người phụ nữ sẽ không thể ngẩng cao đầu…

 

05113.822633 và 05113.822955 là số điện thoại đường dây nóng phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của phường Bình Hiên (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) – Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Công an phường cho biết ngày 24-2.
 
Cùng với đó, phường đã đưa 5 nhóm phòng chống BLGĐ với 20 thành viên vào hoạt động nhằm nắm bắt thông tin liên quan đến BLGĐ xảy ra trên địa bàn, phản ánh và cùng cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời.Đây là phường đầu tiên của Đà Nẵng thực hiện mô hình này.

 

Hà Văn Thịnh

;
.
.
.
.
.