Dòng dầu do tự mình sản xuất, đã chảy! Đó không chỉ là một niềm vui mà còn là nỗi xúc động lớn lao, niềm tự hào và hạnh phú của cả nước, của muôn triệu người. Đó còn là sự tự tin, vững vàng trước kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên mà dầu lửa luôn phải được hiểu như là “máu” của mọi nền văn minh.
Để có được Dung Quất hôm nay, Đảng, Chính phủ và toàn dân đã phải trăn trở, vất vả biết bao ngày.
12 năm kể từ khi khởi công, số lượng sắt thép để cho Dung Quất đủ hình hài, đủ lực bằng 2 tháp Eiffel; chỉ riêng số lượng dây cáp điện, đủ để căng một quãng đường dài gấp 2 lần từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh... Chưa hết, với lực lượng lao động vào thời điểm cao nhất lên đến 12.000 người trên một vùng đất chỉ có cát khô, cỏ cháy - theo trung úy Bùi Thanh Lâm, Đội phó Đội CSCĐ Dung Quất thì, đã có những lúc, không ít nhà thầu ngán ngại muốn bỏ đi… (người viết bài này được trung úy BTL đưa đi thăm toàn bộ tổ hợp Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng xe chuyên dụng ngày 12-2-2009).
Đạp bằng tất cả mọi trở lực, luôn coi thách thức phải là cơ hội; hiểu rõ lợi ích dân tộc cao hơn hết thảy; cán bộ, công nhân Dung Quất, Quảng Ngãi và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung, đã đóng góp hết sức mình để cho dòng dầu do chính tay ta làm ra, tuôn chảy. Không có tinh thần đó, không thể nối kết hàng vạn lao động, hàng ngàn chuyên gia từ hàng chục nước trên thế giới.
Không phải ngẫu nhiên mà con đường dài 23km từ thành phố Quảng Ngãi đến Dung Quất vừa được mang tên đường Võ Văn Kiệt. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý thủy chung, là tâm niệm, bản lĩnh làm nên sức mạnh Việt Nam.
Phải nhìn thấy tận mắt 13 đường ống dẫn dầu, dẫn nước biển và hàng vạn điểm nối, khúc quanh chạy từ cảng vào nhà máy, chạy chằng chịt trong nhà máy mới thấy hết được sự phức tạp của một công nghệ hiện đại lần đầu tiên ta học hỏi và vận hành. Phải đến một quán ăn vào lúc chiều tối, thấy được người Malaysia, Philippines, Singapore, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ..., cùng chung vui một bữa cơm mới hiểu vì sao “đường đến Dung Quất” gian nan và tốn nhiều thời gian đến thế.
Nếu chưa có Dung Quất, mỗi năm Nhà nước phải bù lỗ từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa hai giá dầu thô (ta bán) và dầu tinh (ta mua). Khoản tiền hàng chục tỷ đồng bù lỗ mỗi ngày đó, giờ đã được giảm ít nhất là 1/3. Đó là chưa nói đến các vấn đề như an ninh năng lượng, khả năng tiếp nhận và làm chủ kỹ thuật cao, quyết tâm hòa nhập thật sự về văn hóa, kinh tế, kỹ thuật toàn cầu...Quảng Ngãi là một miền đất đặc biệt. Kể từ năm 1945, đây luôn là nơi khởi phát những sự bắt đầu. Ba Tơ, Trà Bồng, Vạn Tường… là những địa danh gắn liền với từng bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Dòng dầu từ Dung Quất đem đến nhiều ý nghĩa lắm. Trước hết, kể từ nay, ta đã bắt đầu làm chủ được kỹ năng công nghệ tiên tiến trong sản xuất dầu; tức là, bắt đầu có thể tự mình lo cho “dòng máu” của chính mình bằng định thức “Made in Vietnam”. Dung Quất sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp để khởi động, cộng hưởng sức mạnh đã từng “ngủ yên” bấy lâu nay của miền Trung.
Nguồn lợi từ Dung Quất (bảo đảm 1/3 lượng xăng dầu cả nước) là không hề nhỏ một chút nào. Mỗi ngày tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng là một lợi ích thật đáng kể. Có nhà máy lọc dầu, rất nhiều trường học, bệnh viện sẽ được mở rộng hoặc xây mới. Hơn thế nữa, đã nhìn rõ từ phía nam, thật gần, “hệ thống thành phố chuỗi” để liên kết và mở rộng tiềm năng của miền Trung. Vạn Tường - Dung Quất - Chu Lai - Hội An - Đà Nẵng; quả là những cái tên gợi mở đầy hy vọng…
Ngày 22-2-2009 sẽ đi vào lịch sử như là một thời khắc đầy tự tin và tự hào, bởi chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn để biết cách bắt đầu. Chào mừng Dung Quất, chào mừng sự lớn dậy, vượt tầm của nền kinh tế, chào mừng một bước đi mới qua một chặng đường hết sức gian khó, rất dài - của dân tộc Việt Nam!
KHÁNH CHI
.
.
Tự hào, tự tin Dung Quất
Thứ Ba, 24/02/2009, 08:44 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.