Hạ tuần tháng 3, hơn 84 vạn người dân Đà Nẵng náo nức kỷ niệm 34 năm Ngày Giải phóng. Có lẽ, kể từ năm 1975, tháng 3 năm 2009 là sự kiện sôi động và háo hức nhất mà tôi được biết.
Bởi trước hết, hoạt động kỷ niệm 29-3 mà tâm điểm là sự kiện Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009. Đây là sản phẩm du lịch độc đáo của chỉ riêng Đà Nẵng. Sự lung linh, huyền ảo của pháo hoa đã khiến hàng triệu con người nôn nao, chờ đợi. Nhưng chỉ với pháo hoa thôi, vẫn là chưa đủ. Khác với thường lệ, Đà Nẵng đã làm trong nhiều năm nay - kỷ niệm Ngày Chiến thắng thường khánh thành 1 đến 2 công trình chào mừng; nhưng, trong những ngày tháng Ba lịch sử này, Đà Nẵng đang bùng nổ nhiều sự kiện - mà chính nó - đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ, nâng bước để Đà Nẵng - thành phố trẻ, năng động bên bờ Thái Bình Dương xanh - phát triển nhanh và vững chắc hơn.
Chúng ta có thể liệt kê ra những sự kiện chính đã và sẽ diễn ra trong dịp này: Trong 3 ngày, từ 17 đến 19 tháng 3 diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng vạn lượt người tham gia. Sáng 25-3, thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước, cầu dây võng dài nhất Việt Nam, để Đà Nẵng “thuận với duyên kỳ ngộ, lành hạnh với tương lai”; Sáng 25-3 khánh thành cáp treo Bà Nà đạt 2 kỷ lục thế giới. Ngày 27-3 khánh thành Nhà thờ tộc Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu.
Cũng trong ngày 27-3, khởi công xây dựng Bệnh viện Ung thư được xây dựng bằng vốn đóng góp của các nhà hảo tâm. Sắp tới khởi công xây dựng cầu Rồng, khơi thông tuyến đường từ Sân bay Đà Nẵng ra biển, đường Sơn Trà-Điện Ngọc - nối liền Đà Nẵng với thành phố Di sản thế giới Hội An... Các sự kiện diễn ra dồn dập, nhiều công trình mang dáng dấp thời đại, lập kỷ lục quốc gia và thế giới. Giống như pháo hoa trên nền trời của sự chờ đợi, các sự kiện bùng nổ, nối tiếp trong mọi ánh mắt rạng ngời và đã làm nên một thương hiệu Đà Nẵng.
Thương hiệu, các kỷ lục thế giới không phải ngẫu nhiên xuất hiện, mà nó được hun đúc từ lịch sử và truyền thống, từ sự hy sinh của bao thế hệ đồng bào, đồng chí cho tương lai của quê hương, đất nước, là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và nhẫn nại của các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố.
Thương hiệu Đà Nẵng, các kỷ lục được kết tinh nên bởi tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mà chính nó, đã thôi thúc chúng ta có tư duy vượt trước: “Khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Xây dựng thành phố 5 không, 3 có”; Ý tưởng “Bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố”; “Quỹ dưỡng liêm”; “Xây dựng Trung tâm Hành chính thành phố”... Thương hiệu Đà Nẵng không phải vì yêu cầu tự thân mà nó là đôi cánh cho Đà Nẵng bay cao, bay xa trong bầu trời hạnh phúc.
Cũng cần nói thêm, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, trong điều kiện thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ bằng kinh phí đầu tư cho công tác vệ sinh môi trường của một thành phố phía Bắc(!). Nhưng khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã bùng lên đầy ấn tượng.
Trong điều kiện nghèo nàn, vốn đầu tư eo hẹp nhưng thành phố đã lựa chọn việc làm đường, làm cầu, mở rộng giao thông đô thị là đột phá phát triển. Cái khó không thể bó cái khôn! Trước thách thức như thế, phẩm chất anh hùng, dám nghĩ, dám làm đã khai sắc thành hoa, đơm nhụy để kết trái. Không có vốn, ta tạo ra vốn. Vốn từ đâu? Từ nhân dân, từ tiềm năng lao động và đất đai. Nhiều cách làm mới xuất hiện: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng”…
Thành công của Đà Nẵng bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, từ sự huy động được thế nước “chở thuyền” của mọi tầng lớp nhân dân, để tất cả chung vai cùng gánh vác và quan trọng nhất là từ sự đồng thuận của nhân dân.
“Có bột mới gột nên hồ”. Đà Nẵng trong thời gian dài bị giữ chân đã bùng lên một cách mạnh mẽ. Nói hơi quá, nhưng có lẽ vẫn đúng trong từng cái cụ thể rằng, từ hai bàn tay trắng, Đà Nẵng đã xây dựng được cơ đồ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như hôm nay.
Một nguyên nhân cực kỳ quan trọng của sự “thay da đổi thịt”, phát triển vượt bậc của Đà Nẵng chính là ở chỗ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu. Đà Nẵng đã tự chọn cho mình con đường riêng, đó là ưu tiên phát triển du lịch - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Với lợi thế là thành phố trung tâm nằm giữa các di sản thế giới: Mỹ Sơn - Hội An - Huế - Phong Nha Kẻ Bàng; lợi thế là nơi có một trong những bãi biển quyến rũ nhất thế giới; lợi thế từ sự thu hút tài năng, ưu đãi tài năng, biết cách để biến tiềm năng thành hiệu quả thực tế…; Đà Nẵng đã có bước đột phá thật sự kể từ khi bước sang thế kỷ XXI.
Không phải ngẫu nhiên mà Đội pháo hoa đến từ đất nước Australia xa xôi đã chọn chủ đề “Kỷ nguyên mới” để làm điểm nhấn cho bài trình diễn của mình. Đọc được lịch sử và hiểu rõ lịch sử từ Đà Nẵng chính là cách nhìn khách quan, thấu hiểu mặn mà…
Ngày Giải phóng 29-3, với cuộc trình diễn pháo hoa, đồng thời cũng là ngày để “khai trương”, bắt đầu cho mùa du lịch biển. Nắng và cát, sông Hàn và Sơn Trà lộng gió, biển và tấm lòng rộng mở của mọi con người Đà Nẵng là sự hòa hợp, tinh kết cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Để có được sự hài hòa diệu tuyệt đến như thế của những điều kiện cần và đủ, Đà Nẵng đã biết cách lựa chọn đúng hướng đi, biết cách bước đi thật vững vàng; và, chắc chắn sẽ đi đến đích hạnh phúc từ Ấn tượng tháng Ba.
TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
.
.
Ấn tượng tháng Ba
Thứ Sáu, 27/03/2009, 07:55 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.