.

Bệnh viện sâu nặng nghĩa tình

Sáng 28-3-2009, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng đã chính thức khởi công xây dựng Bệnh viện ung thư đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đây là một sự kiện đặc biệt có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Bệnh viện Ung thư được đặt ở một vị trí đắc địa, cách bãi biển - đường Nguyễn Tất Thành chỉ vài trăm mét, thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, chứng tỏ sự quan tâm chu đáo của Thành ủy, UBND thành phố với những bệnh nhân bị “căn bệnh thế kỷ”. Môi trường xanh, sạch và khí hậu biển thoáng mát đó, là loại “đặc dược” giúp cho người bệnh rất nhiều.

15ha đất dành riêng cho Bệnh viện ung thư cũng là một quỹ đất rất lớn nếu biết rằng rất nhiều trường đại học khuôn viên chỉ có 2-3ha. Thứ hai, đây là bệnh viện đầu tiên trên cả nước ta được xây dựng, điều hành, khám và chữa bệnh theo nguyên tắc phi lợi nhuận - chỉ hoạt động với mục đích từ thiện. Cho đến nay, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã đóng góp được 350 tỷ đồng. Đó là một con số thật ấn tượng, nhất là trong hoàn cảnh cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Thứ ba, đêm 28-3 là đêm thứ hai của liên hoan pháo hoa; một đêm trước Lễ kỷ niệm lần thứ 34 Ngày giải phóng thành phố. Do vậy, việc chăm lo cho những người bất hạnh diễn ra đúng vào buổi sáng, phản ánh một tầm nhìn, một cách làm thật đáng trân trọng. Chúng ta vui, chúng ta náo nức với cuộc sống bình thường nhưng không quên những mảnh đời bất hạnh là cái lẽ cao cả của lòng Nhân. Đây có thể coi là một cách hiểu khác về “ngôn ngữ của pháo hoa”, của tình yêu và sự đổi thay của Người Đà Nẵng.
Sáng 28-3, người viết bài này đã đến nơi mà đến năm 2012 sẽ khánh thành Bệnh viện ung thư với quy mô 500 giường bệnh miễn phí và cảm nhận thật rõ luồng gió mát, khoáng đạt, cởi mở thổi vào từ biển, từ sự thênh thang của con đường Nguyễn Tất Thành diệu tuyệt.

Lúc đó, đứng trên mảnh đất mênh mông của tình người, tôi đã nghĩ và tin rằng sự hảo tâm, nghĩa tình có nhiều lắm. Vấn đề là ở chỗ ý tưởng đến từ đâu, làm thế nào để khơi dậy, biết tổ chức và nhất là tâm huyết?  Quả thực, một khi đã có cách nghĩ, cách làm, cách hiểu như thế thì không có điều gì là không thể! Trong suy nghĩ của tôi, nếu phải bầu chọn một trong mười đường phố đẹp, ý nghĩa, hài hòa nhất cả nước thì con đường Nguyễn Tất Thành chắc chắn sẽ nằm trong số đó.

Không có gì hợp lý hơn một đường phố mang tên Nguyễn Tất Thành thật dài và thật rộng, hướng ra biển, tìm con đường đi từ biển để Đất Nước đổi thay, để Đà Nẵng hôm nay bừng lên sức sống mạnh mẽ, tự hào. Có thể, khi đặt Bệnh viện Ung thư ở địa điểm đó, lãnh đạo thành phố đã cân nhắc kỹ càng tất cả những gì có thể để giúp những bệnh nhân của căn bệnh khắc nghiệt cảm nhận và thấu hiểu từ sự bao dung của biển, từ tấm lòng nhân hậu của Nguyễn Tất Thành và của những thế hệ học trò của Người, hôm nay, mai sau…

Không có một sự kiện nào của lịch sử là ngẫu nhiên. Bệnh viện Ung thư chỉ là một trong rất nhiều kết quả của logic thương dân, vì dân. Về cơ bản xóa được nhà tạm cho toàn dân, chung cư cho người nghèo, đền bù và giải tỏa thỏa đáng để cho người dân di dời nhưng vẫn mỉm cười, một công sở chung để người dân đỡ đi, đỡ phải ngược xuôi vất vả… Tất cả những chủ trương, chính sách và cách làm đó của Đà Nẵng nếu được nhân rộng trên cả nước thì tốt biết chừng nào? 

Miền Trung và Tây Nguyên là mảnh đất gian khó nhất, chịu nhiều thương đau nhất của chiến tranh. Do vậy, đây cũng là nơi có rất nhiều người bị nhiễm chất độc gây nên ung thư. Có một bệnh viện như thế, đáng trân trọng về nghĩa tình như thế quả là một “món quà” vô giá. Đạo lý của người Việt khẳng định rằng, vấn đề không phải là món quà mà cách “gửi tặng” món quà ấy mới là điều quan trọng. Chắc chắn là như thế khi Đà Nẵng, một lần nữa lại đi tiên phong để gửi một thông điệp mới về cách tặng và trao gửi mơ ước, hiện thực với nhiều lắm những mặn đằm của thông cảm, sẻ chia…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.