.

Để phong trào đi vào thực chất

.

“Ô nhiễm môi trường”, “Mất cân bằng sinh thái”, “Trái đất đang nóng lên”… là những cụm từ quen thuộc mà bất cứ ai cũng đã từng một lần nghe đến. Nhưng, để ra tay thực hiện một hành động cụ thể vì những cụm từ ấy thì không phải ai cũng làm được.

Hô đâu làm đấy

Bất cứ phong trào nào của tuổi trẻ, ban đầu triển khai bao giờ cũng rầm rộ, nhưng liệu rồi mỗi cá nhân có ý thức được mình sẽ làm gì sau đó?

Với những phong trào đã có những hoạt động khá sôi nổi như “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, “Ngày thứ bảy tình nguyện” của thanh niên đã để lại dấu ấn  khó phai trong việc tuyên truyền, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo bạn Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Biển Xanh” trực thuộc Hội LHTN thành phố, do có ít các chương trình hoạt động cụ thể, dẫn đến khoảng lặng giữa các chương trình kéo dài nên đã phần nào làm giảm đi nhiệt huyết của các bạn trẻ.

Chính điều này có thể giải thích cho việc tại sao khi có một chương trình nào đó do Đoàn, Hội tổ chức, tuổi trẻ tham gia rất tích cực, sôi nổi. Sẵn sàng đến các điểm nóng về môi trường như bãi biển T20, bờ hồ Thạc Gián để nhặt rác, vớt bèo, nhưng đến khi kết thúc, có không ít bạn trong số đó lại là người vứt rác bừa bãi, đi đường thấy rác làm ngơ. Cuối tháng 2 vừa qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đã tổ chức chương trình ra quân trồng cây cho Công viên Thanh niên.

Có 20.000 cây xanh được trồng để xây dựng công viên, đồng thời góp phần làm giảm bớt mức độ ô nhiễm của khu vực bờ hồ nằm trong khuôn viên. Đây là dự án lớn, mang nhiều ý nghĩa của tổ chức Đoàn thành phố, nhưng trên thực tế  có bao nhiêu bạn thanh niên tình nguyện đi trồng cây, nếu không được triệu tập? “Có phong trào thì tham gia chứ bây giờ bảo  mình tự đi mua cây, rồi chở đến trồng thì khó quá.

Mấy cây cảnh ở nhà còn nhác tưới nước nữa là”, một bạn đoàn viên đã không ngần ngại nói như vậy. Trên thực tế, việc tuyên truyền, giáo dục trong tầng lớp thanh niên ý thức bảo vệ môi trường không hề dễ và cũng chưa thực sự đi đúng hướng. “Lần nào tổ chức cũng băng rôn, biểu ngữ rầm rộ, nhưng cái cơ bản nhất là kiến thức về môi trường thì chẳng thấy ai nói đến.
 
Lúc nào cũng nghe ô nhiễm môi trường, trái đất đang nóng lên, nhưng liệu có mấy người hiểu ô nhiễm môi trường là thế nào? Vì sao trái đất đang nóng lên và tất cả những điều đó đang ảnh hưởng đến đời sống của con người ra sao? Cái mà lớp trẻ đang thiếu là kiến thức, mình lại làm theo kiểu cho có, như vậy thì sao hiệu quả được”, bác Hạnh, cựu chiến binh quận Hải Châu nói.

Mới chỉ dừng lại ở ý thức của tập thể

Bảo vệ và hành động vì môi trường không phải là công việc của một cá nhân, một tập thể mà nó là sự gắn kết của cả cộng đồng trong một kế hoạch lâu dài, bền vững. Trên thực tế, về phương diện tập thể, chúng ta đã làm được nhiều việc như ra quân “Ngày Môi trường thế giới” (11-6), “Ngày làm cho thế giới sạch” (11-9)… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Tuy nhiên, khi tách riêng từng cá nhân một thì ý thức của họ còn rất yếu.
 
Anh Nguyễn Đình Trí, Phó Ban phong trào Hội LHTN thành phố nói: “Trong khả năng của mình, chúng tôi chỉ có thể làm đến đó, rất khó để làm hơn được vì môi trường không phải là chuyện ngày một, ngày hai và là trách nhiệm của nhiều tổ chức. Điều cơ bản là ý thức của mỗi người. Hiện nay, bộ phận thanh niên tham gia vào tổ chức Hội phần lớn đã thực hiện khá tốt việc tham gia bảo vệ môi trường, riêng số thanh niên ở ngoài Hội thì không thể kiểm soát được.

Cũng khó mà tuyên truyền vì họ thường không quan tâm”. Để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và khích lệ sự đóng góp của tuổi trẻ cho thành phố quê hương, hằng năm thành phố có tổ chức cuộc thi Sáng tạo trẻ trong học sinh, sinh viên. Năm 2008 vừa qua, tuổi trẻ thành phố đã có 74 sáng kiến được chuyển lên Sở Khoa học- Công nghệ thẩm định, nhưng rất tiếc trong số đó chỉ có 1 đề tài về môi trường của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Qua đó cho thấy, mức độ quan tâm của tuổi trẻ đối với vấn đề môi trường còn quá hời hợt.

Từ những vấn đề nêu trên, rõ ràng ý thức bảo vệ môi trường của lớp trẻ bây giờ còn quá thụ động. Họ chỉ biết hành động thông qua phong trào tập thể. Điều này như muốn khuyến cáo rằng, tổ chức Đoàn, Hội, Đội phải là những đầu tàu năng động để thu hút thanh-thiếu niên, qua đó nâng cao hơn ý thức cá nhân của tuổi trẻ trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.