Báo Đà Nẵng vừa có bài bình luận của Hà Văn Thịnh về đề án “phố đi bộ” của Đà Nẵng. Ông đưa ra nhiều luận giải khá sắc sảo về mô hình này, trong đó, đáng lưu ý là nhận xét “không có phố đi bộ về đêm thì thành phố chỉ là thành phố nhà quê”. Tôi không có tham vọng phân tích sâu hơn về chủ đề này, chỉ xin đưa ra thực thể kinh tế mà tôi cho là rất quan trọng trong đề án xây dựng phố đêm Đà Nẵng - sông Hàn.
Không ít nhà kinh doanh, hoạch định nhìn sông Hàn mà phát thèm. Nó sở hữu những tiềm năng mà không phải đô thị nào cũng mơ thấy được. Người Pháp, bậc thầy về quy hoạch và kiến trúc, hẳn đã có lý khi chọn ven sông Hàn để xây dựng các cơ sở hành chính - hạt nhân của đô thị. Sau người Pháp, chịu sự biến động lịch sử và nghèo đói, sông Hàn gần như bị quên lãng, với hình ảnh một thời quen thuộc là hàng trăm căn nhà chồ xơ xác ở bờ Đông và những khoảng trống nghèo nàn ở bờ Tây.
Đến sau ngày chia tách tỉnh, sông Hàn bắt đầu thay đổi diện mạo, nhất là khi cầu Sông Hàn vắt ngang qua đôi bờ. Tiếp sau cây cầu quay nổi tiếng đó, sông Hàn lại có thêm cầu Tuyên Sơn, Thuận Phước, trong tương lai gần còn có thêm cầu Rồng. Nhưng liệu những cây cầu có đủ sức vực dậy tiềm năng của sông Hàn?
Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng) cho rằng: “Sông Hàn chứa đựng tiềm năng to lớn, nhưng việc khai thác những tiềm năng ấy còn rất sơ khai”. Nhận xét mang tính khái quát này nghe có vẻ quen thuộc đến nhàm chán, nhưng là một thực tế hết sức rõ ràng.
Nói đến tiềm năng sông Hàn là nói đến tiềm năng trên mặt nước, tiềm năng hai ven bờ và cả những “giá trị mềm”, như tâm linh, văn hóa... Về tiềm năng mặt nước, cho đến nay sông Hàn chủ yếu chỉ là bến neo đậu tàu thuyền. Dịch vụ hiếm hoi được biết đến trên mặt nước của con sông tuyệt đẹp này là một nhà hàng nổi (Hana Kim Đình) và một chiếc tàu du lịch (thực tế cũng là một nhà hàng nổi khác).
Ở trên bờ phía Tây (đường Bạch Đằng), ngoài các quán kem, cà-phê, nước dừa, nước mía hầu như không có gì hơn. Trước đây bờ Đông là một dãy quán nhậu, sau khi chấn chỉnh, nó trở thành chức năng như mọi con đường khác: mặt tiền của phố. Tôi thật khó lòng tìm kiếm ra điều gì khả dĩ hơn về việc khai thác tiềm năng sông Hàn ngoài những chi tiết vụn vặt nói trên.
Đến nay, có thể nói, đề án “Phố đi bộ” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đang soạn thảo là cách nhìn tổng quát hơn về khai thác tiềm năng bên sông Hàn. Tuy nhiên, đề án này - như thừa nhận của Tiến sĩ Nguyễn Phú Thái, người chủ trì đề tài - mới chỉ để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch sẵn có, chứ chưa phải tạo ra một nhân tố để thu hút khách du lịch. Nói cách khác, nó chỉ là một sự đầu tư trong chừng mực, nếu không nói là manh nha. Như vậy, những giá trị căn bản trong khái niệm “tiềm năng sông Hàn” vẫn chưa được khai thác một cách đúng mức.
Như thế nào thì có thể coi là “đúng mức”? Tôi chưa đủ dữ liệu để đưa ra một cái gì đó như kế hoạch – ngay cả chủ đề tài đến lúc này vẫn chưa đủ dữ liệu, tuy nhiên một điều chắc chắn là nếu chỉ đầu tư mấy chục ki-ốt, mấy tàu du lịch, cơi nới mấy không gian… thì chưa thể trông chờ nhiều.
Tôi cho rằng, sự đầu tư đúng mức phải là dự án quy mô lớn, trong đó đáp ứng được ít nhất 4 nhu cầu căn bản sau: ăn uống, mua sắm, thưởng ngoạn và thư giãn. Cả một núi công việc đặt ra và rất nhiều tiền bạc cần đến khi muốn đáp ứng một cách tương đối những nhu cầu trên. Nhưng nếu không làm thì tiềm năng sông Hàn mãi mãi chỉ là… tiềm năng.
NGUYÊN QUÁN
.
.
Để sông Hàn không chỉ là tiềm năng
Thứ Tư, 11/03/2009, 07:41 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.