.

Dị nhân, vườn ươm & kỷ lục thế giới

Báo Thanh Niên, số chủ nhật, ngày 22-2-2009 có đăng bài “Dị nhân giữa đời thường” nói về vận động viên bơi lội Hoàng Quý Phước. Đêm 11-3-2009, VTV3, trong chương trình 360 độ thể thao, một lần nữa lại đề cập đến VĐV bơi lội “dị nhân” này. Trước đó, báo chí cũng đăng tải rộng rãi về chuyện tuyến cáp treo Bà Nà lập hai kỷ lục thế giới - kỷ lục về sự chênh lệch độ cao giữa hai đầu tuyến cáp và kỷ lục về cáp treo một dây dài nhất (5.000m)!

Hai câu chuyện khác nhau về tính chất, nội dung và hoàn cảnh nhưng lại có chung một điểm: Đà Nẵng đã và đang có không ít kỷ lục quốc gia về sự đột phá, về chỉ số cạnh tranh lành mạnh, về tầm nhìn xa và sự quyết đoán đầy ấn tượng… Vậy thì, làm thế nào để “Mở rộng và Nuôi dưỡng (hy vọng)” - như cách nói về “công thức 2E” của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, các thành tựu đó?

Trước hết, trường hợp VĐV Hoàng Quý Phước là một “hiện tượng” quý và rất hiếm. 15 tuổi cao 1,78m, sải tay 1,93m, lập hai kỷ lục quốc gia môn bơi 100 và 200 mét tự do (2008), là điều không phải bao giờ cũng có được. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tích cực hơn và nhất là, Đà Nẵng không thể không quan tâm nhiều hơn đến Hoàng Quý Phước.
 
Đó không chỉ là niềm tự hào của quê hương mà còn liên quan đến danh dự của Tổ quốc. Chúng ta làm sao bay cao, bay xa trên bầu trời thênh thang của nhân loại một khi không có kế hoạch khơi dậy, phát hiện và chăm sóc nhân tài. Đọc bài trên báo Thanh Niên nghĩ mà buồn: Hoàng Quý Phước chưa hề biết đến các trang phục thi đấu của Nike, Adidas, Speedo…; trong khi một VĐV bóng đá cấp câu lạc bộ tầm tầm cũng đã xài những trang phục đó từ lâu rồi.

Thứ hai, hai kỷ lục thế giới của cáp treo Bà Nà, cho đến nay, chỉ những người hay đọc báo (và đọc nhiều báo) mới… biết (?). Chúng tôi cứ băn khoăn, tại sao nó là một sản phẩm đích thực của ngành du lịch nhưng lại được quảng bá một cách nghèo nàn và thiếu hiệu quả đến thế? Cần phải nhấn mạnh rằng không dễ gì để lập một kỷ lục thế giới. Cáp treo Bà Nà có một lúc cả hai kỷ lục, tại sao không khuếch trương, không tìm cách thu hút du khách trong và ngoài nước bằng sự khuyến mãi và ưu đãi, thậm chí chấp nhận lỗ trong giai đoạn đầu?

Thứ ba, một Vườn ươm theo đúng nghĩa của từ này là điều mà CLB Hoàng Anh Gia Lai đã chuẩn bị được cho bóng đá Việt Nam từ mấy năm trước. Hãy còn sớm khi đưa ra lời nhận xét về hiệu quả của nó; nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng đó là cách đi đúng của một tầm nhìn đúng. Tại sao Đà Nẵng không mạnh dạn đầu tư cả chiều sâu lẫn tầm xa cho một chặng đường dài? Không phải ngẫu nhiên, ngày 24-5-1889 (cách đây tròn 120 năm - theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, khoa Sử, ĐHKH Huế), thành phố Đà Nẵng đã chính thức ra đời để mở đầu cho toàn bộ quá trình đô thị hóa của miền Trung. Lịch sử đã bước sang trang khác, nhưng sứ mệnh lịch sử thì vẫn còn đó. Vấn đề còn lại là ta phải hiểu và phải biết cách để thực hiện nhiệm vụ là “đầu tàu” như thế nào?

Thứ tư, người xưa hay nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Nhưng người xưa cũng nhấn mạnh rằng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là ba yếu tố quyết định để phát triển và thành công. Nhà nước đang có chủ trương hỗ trợ Đà Nẵng tất cả những gì có thể để nhanh chóng thay đổi và bứt phá. Đó chính là “thiên thời”, hiểu theo nghĩa cụ thể bây giờ.

“Địa lợi” là điều mà Đà Nẵng luôn luôn đã và đang có. “Nhân hòa” là điều khó nhất, hiểu theo bất kỳ thời đại nào. Nhưng, đấy là điều Đà Nẵng đang hài hòa nhất. Sự đồng thuận “Ý Đảng, lòng dân”; những cải cách mạnh mẽ về hành chính, sự đột phá và những ý tưởng… chính là nội lực của nhân hòa. Phát huy và thăng hoa là công việc còn lại của các giải pháp cụ thể.

Hãy mạnh dạn hướng tới những kỷ lục bởi điều đó sẽ làm cho con người trở nên mạnh mẽ hơn. Hãy chăm sóc, khơi dậy, phát hiện tài năng bởi đó luôn là điều hiếm và quý mà không dễ gì có được. Câu chuyện của Hoàng Quý Phước, những kỷ lục của Bà Nà…, buộc sự nghĩ suy, mạnh bạo phải đột biến, dám nghĩ dám làm, sao cho việc phải nghĩ và hành động cụ thể, thiết thực vì một vườn ươm là nguyên tắc của tồn tại, thành công. Tại sao không?

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.