.

Hoa của muôn đời

Trong tất cả những điều tốt đẹp mà tạo hóa đã đem đến cho trái đất này, có thể nói rằng Người Phụ Nữ là vưu (báu) vật quý giá nhất. Họ không chỉ là những đóa hoa rực rỡ của muôn ngày mà còn gánh trên đôi vai “gầy guộc nhỏ” của mình rất nhiều bổn phận vinh quang: là vợ, là mẹ, là người nội trợ giỏi giang, là ngọn lửa của nồng ấm yêu thương của mọi gia đình và, cũng là “một nửa thế giới” phải chịu thiệt thòi, vất vả nhiều nhất…

Có thể thời nay đã không còn nhiều nữa những người phụ nữ phải “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”; nhưng hình ảnh tảo tần, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam luôn được khắc sâu, ghi đậm trong niềm biết ơn sâu sắc của muôn người. Không phải tự nhiên mà trong khi thế giới hoảng hốt và sợ hãi trong cơn suy thoái kinh tế toàn cầu, rất nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng trên thế giới lại kêu gọi loài người phải học hỏi các bà nội trợ!

Một khoản tiền ít nhưng có thể mua được nhiều thứ nhất khi ra chợ; dù khó khăn đến đâu vẫn có thể dành dụm và tiết kiệm; ở đâu có hàng rẻ nhất nhưng lại có chất lượng tốt nhất có thể; làm thế nào để đong - chia đủ khoản thu nhập ít ỏi cho một tháng không chỉ có 30 ngày mà phải là 35 hay 40 ngày… Tất cả những bài toán kinh tế khó khăn đó, chỉ có người đàn bà mới làm được. Thiên chức đó là bản năng sống thứ nhất của lẽ sinh tồn mà khi đã hiểu, mọi lời cảm ơn đều không đủ.

Nhận ít nhất về mình, dành cho chồng con nhiều nhất cũng gần như là một “nguyên tắc” sống đã được giản dị hóa đến mức thiêng liêng của phụ nữ. Làm vợ, họ phải mang nặng, đẻ đau; làm mẹ họ phải chịu thua thiệt đủ bề; làm tròn bổn phận đối với xã hội, họ là những người phải chịu áp lực nhiều nhất, căng thẳng nhất. Xã hội càng thay đổi, việc nuôi dạy con cái càng trở nên phức tạp hơn. Làm sao đếm nổi những giọt nước mắt âm thầm chảy trong lòng những trái tim tha thiết yêu thương và rộng lượng trước cuộc đời?

Điều nghiệt ngã chính là ở chỗ: Tất cả chúng ta, chỉ đến khi thành mẹ thành cha mới hiểu hết công ơn dưỡng dục, hy sinh của bố mẹ mình. Niềm biết ơn đó nhiều khi là quá muộn, nhưng lẽ tự nhiên của ngàn năm vẫn thế - người đàn bà vẫn âm thầm cống hiến hết sức mình cho cái nghĩa tình nước mắt chảy xuôi!

Điều nhức nhối của xã hội trong thời gian gần đây là rất nhiều người đàn ông không chịu hiểu những chân lý bình thường ấy. Nạn bạo hành gia đình xảy ra thường xuyên, mỗi lúc thêm trầm trọng. Tại sao chúng ta tôn vinh phụ nữ, ca ngợi và tặng thật nhiều hoa nhưng lại thờ ơ khi người đàn bà ở nhà láng giềng bị hành hạ, dập vùi? Sự vô cảm và thiếu trách nhiệm xã hội  là một trong những căn nguyên đầu tiên để cho nạn bạo lực trở thành một vấn nạn.
 
Nếu những người đàn ông đều cho rằng mình là ông chủ (trong khi con cái không tin là thế) nên có “quyền” làm bất cứ chuyện gì; nếu ai cũng cho rằng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”; nếu người phụ nữ không dũng cảm đấu tranh, không tự biết bảo vệ quyền lợi của chính mình, thì nạn bạo hành vẫn tiếp diễn. Chúc mừng, tôn vinh người phụ nữ nhân ngày 8-3 là cần thiết, nhưng chưa đủ. Niềm hạnh phúc đó chỉ có trong một ngày trong khi mỗi năm có 365 ngày!

Rất mong xã hội chăm lo đến người phụ nữ thiết thực và hiệu quả hơn. Mục đích sống của loài người là bảo vệ, phát triển và nhân lên gấp bội cái tuyệt mỹ, cái xứng đáng được tôn vinh. Hãy cố gắng hơn để phụ nữ bớt nhọc nhằn, hiểu và thông cảm hơn để họ thêm tự tin, yêu thương nhiều hơn bởi người phụ nữ có “quyền” có điều đó, vì - phụ nữ là những bông hoa rực rỡ của muôn đời? Xin chúc các mẹ, các chị những lời chúc tốt đẹp chân thành nhất!

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.