Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giữa tháng 3-2009 có thêm đoàn 50 DN đến từ Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Đan Mạch đến Việt Nam tìm cơ hội xúc tiến đầu tư. Đây là các DN hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, công nghệ thông tin, động cơ diesel, vận tải, giao thông, cảng biển…
Trước đó, có chuyến đi khảo sát thị trường Việt Nam của 63 DN vùng Kansai (Nhật Bản) vừa kết thúc vào ngày 6-3-2009 tại thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 30 DN Nhật Bản khác đến Việt Nam trong tháng 3 này. Tiếp đến tháng 4, một đoàn DN từ Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất sẽ đến Việt Nam. Tần suất các đoàn DN nước ngoài tới Việt Nam trong đầu năm 2009 khá dày đặc.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hiroshi Shimozuma, Chủ tịch Liên đoàn Các nhà kinh tế vùng Kansai (Nhật Bản) cũng đã nhắc tới “cơ hội Việt Nam” khi thông tin về những khảo sát, đánh giá của các DN vùng Kansai về Việt Nam với tư cách là địa điểm đầu tư được lựa chọn. Trước đó, trong công bố khảo sát của mình, Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng đã xếp Việt Nam vào vị trí thứ 3 về địa điểm đầu tư yêu thích, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghiệp ô-tô, máy móc, dầu mỏ, cao su, kim loại màu...
Năm 2008, thành phố Đà Nẵng là địa phương của Việt Nam dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh và địa phương này cũng là địa chỉ không thể bỏ qua đối với DN Nhật Bản. Như vậy, cơ hội để đẩy mạnh số dự án mới tại Việt Nam cũng như tăng nhanh các nguồn vốn đầu tư mở rộng đang được chính các nhà đầu tư nước ngoài chủ động.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 7 địa phương gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Hải Phòng tiếp tục có nhiều dự án FDI đăng ký vốn và triển khai. Theo báo cáo vừa công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 2-2009 đạt hơn 5,1 tỷ USD, tức gấp khoảng 27 lần con số tương ứng của tháng 1-2009.
Không tránh khỏi vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như hầu hết các ngành kinh tế khác, thu hút vốn FDI năm 2009 chỉ đặt mục tiêu khoảng 20 tỷ USD vốn đăng ký, bằng 30% mức của năm 2008. Dù dự báo khiêm tốn như vậy, song theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá khá cao về môi trường và triển vọng đầu tư trung-dài hạn tại Việt Nam. Bởi vậy, thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ vẫn có triển vọng trong những năm sau 2010.
Nhân tổ chức sự kiện Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2009, được coi là điểm nhấn trong việc kết hợp quảng bá hình ảnh Đà Nẵng gắn với kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính tiếp cận trực tiếp dự án đầu tư, thủ tục đầu tư và chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghệ cao và các dự án công nghệ cao tại Đà Nẵng; đồng thời thiết lập mối quan hệ với các đối tác tiềm năng, với lãnh đạo chính quyền và các cơ quan hữu quan của thành phố.
Ông Lê Cảnh Dương, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, trọng tâm của Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2009 sẽ giới thiệu đến các nhà đầu tư về dự án khu công nghệ cao tại Đà Nẵng. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ tọa lạc gần đường hầm Hải Vân, thuộc quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Toàn khu có tổng diện tích 1.700 hécta; trong đó 1.200 hécta dành cho khu công nghiệp và 500 hécta để phát triển các dịch vụ, khu đô thị khác. Bên cạnh đó, diễn đàn lần này cũng giới thiệu đến các nhà đầu tư về các dự án thuộc các lĩnh vực khác như du lịch, dịch vụ, giải trí…Dự kiến có 100 nhà đầu tư trong nước và 100 nhà đầu tư nước ngoài tham dự diễn đàn.
Một tín hiệu lạc quan trước Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2009 là Tập đoàn Savico đã quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài cũng hứa hẹn nhiều kết quả khả quan dù bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng: Nếu có thực lực tài chính, đầu tư vào lúc này là quyết định khôn ngoan. Việc các đoàn DN nước ngoài tiếp tục đến Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung khẳng định một thực tế rõ ràng là cho dù những bất ổn kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư vẫn không dừng các kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Thậm chí, giới phân tích cũng đang ghi nhận những động thái tích cực trong việc tranh thủ cơ hội đầu tư giá rẻ, sự chào đón của các thị trường thông qua các chính sách kêu gọi đầu tư… Đã bắt đầu có tín hiệu cho thấy khả năng chuyển dịch lớn về địa điểm kinh doanh.
PHƯƠNG TÙNG
.
.
Khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài
Thứ Sáu, 13/03/2009, 09:06 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.