Biển Đông đang ngày một “nóng” lên. Sức nóng của nó còn phát tán nhanh hơn cả khí hậu toàn cầu. 30 tỷ tấn dầu, 5 tỷ m3 hơi đốt vẫn chỉ là bề nổi của lợi ích chiến lược vô giá. Chính vì thế, các quốc gia “láng giềng” liên tục đưa ra đòi hỏi; thậm chí, công khai hành động để hòng đánh lận con đen, cướp đi vùng biển của cha ông ta từ bao đời nay…
An Nam Đồ Chí do học giả Đặng Chung, người Trung Quốc, đời Thanh biên soạn đã vẽ và viết rõ rằng “Biển Đại Trường Sa thuộc về An Nam”. Ghi chú trên đó đề cụ thể là bản đồ này được làm vào “Vạn Lịch Mậu Thân Thanh Minh Nhật” - tức năm 1608, cách đây 401 năm (!). Một bản đồ cổ khác do Giám mục Taberd vẽ năm 1838, trên bản đồ, quần đảo Hoàng Sa được viết bằng chữ “Cát Vàng”. Và điều đặc biệt nhất là, bản đồ có ghi tọa độ và khi đối chiếu với số liệu hiện nay thì hoàn toàn trùng khớp (Theo Báo Lao Động, ngày 19-3-2009).
Hai tài liệu quý giá trên do người nước ngoài - và cả chính người Trung Quốc lập, là những bằng chứng quan trọng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - “tâm điểm” của toàn bộ Biển Đông.
Tất cả những nhà quan sát chiến lược trên thế giới đều hiểu rằng cường quốc nào khống chế được Biển Đông sẽ có đủ điều kiện để khống chế toàn bộ vùng Đông Nam Á. Biển Đông cũng là chặng đường biển quyết định đến 80% nhập khẩu về dầu lửa của các nước Trung Quốc, Nhật Bản; đồng thời là vùng biển kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - hai đại dương kiểm soát đến 70% thu nhập của cả loài người.
Hơn thế nữa, những nguồn lợi từ hải sản (một trong ba vùng biển có hải sản nhiều và chất lượng tốt nhất thế giới), từ việc tìm ra những nguồn tài nguyên khác, từ ý nghĩa sâu xa của địa - chiến lược (Geo-strategy), địa - kinh tế (Geo-economy)…, thì Biển Đông thực sự là “kho vàng” của sự tham lam bất chấp các quy tắc về biển mà Liên Hợp Quốc đã ban bố.
Vấn đề quan trọng hiện nay là: Chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, với mức độ nào để bảo vệ được chủ quyền chính đáng của đất nước ở Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng; vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải rộng lớn của Việt Nam trong tổng số 6,2 triệu km2 của Biển Đông nói chung?
Những xung động và căng thẳng là khả năng phải loại trừ. Sự tranh chấp chỉ có hiệu quả khi tranh thủ được sự ủng hộ về mặt pháp lý quốc tế; và, sức mạnh công lý, của Nhà nước Việt Nam chỉ có thể có được khi chúng ta có những đồng minh mạnh mẽ.
Chưa bao giờ 87 triệu người dân Việt Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ như lúc này. Cũng chưa bao giờ chúng ta cần đến nhiều sự tỉnh táo, cân nhắc kỹ càng về sự an toàn cũng như các nguy cơ của hiểm họa như lúc này. Tầm nhìn xa chiến lược đòi hỏi giải pháp mạnh cần phải có để tạo ra các điều kiện cần và đủ.
Có như thế, sự thật về Trường Sa, Hoàng Sa mới được loài người tiến bộ hiểu và ủng hộ. Có như thế thì Việt Nam mới luôn vững vàng trước mọi thử thách nguy nan. Lịch sử đã chứng minh rằng chúng ta đã vượt qua tất cả mọi mưu toan đồng hóa. Lịch sử cũng phải khẳng định rằng chúng ta đủ sức để vượt qua mọi ý đồ xâm lấn và thôn tính. Sự tỉnh táo và chính xác luôn là người bạn đường tốt nhất của sức mạnh, người chỉ dẫn ân cần nhất để lịch sử không thể bị đảo ngược!
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Không thể đảo ngược lịch sử!
Thứ Sáu, 20/03/2009, 08:08 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.