Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng lại là thực trạng đời sống của những người phụ nữ bên cạnh chúng ta, những người luôn được coi là bông hoa hoặc ánh mặt trời, như các nhà thơ vẫn nói.
Ngoài việc tặng hoa, mỗi người nên làm một việc gì đó để những phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới được hạnh phúc hơn, được bình đẳng với nam giới hơn. (Ảnh tư liệu) |
Với đà này, khoảng năm 2010, lao động nữ sẽ chiếm 50% trong số lao động có việc làm ổn định, một con số khả quan vì như vậy, trình độ bình đẳng giới trong phân công lao động của nước ta đã đạt mức trung bình tiên tiến của thế giới. Không chỉ thế, với hàng loạt chính sách nhằm mục tiêu bình đẳng giới, hàng triệu phụ nữ đã được đào tạo, hướng nghiệp, cho vay vốn… để thoát nghèo, vươn lên làm chủ bản thân và gia đình.
Nhưng đó mới là một mặt của vấn đề. Một thực tế hiển nhiên là phụ nữ ở nước ta vẫn phải chịu nhiều bất bình đẳng mà bất bình đẳng lớn nhất là trong lao động. Tuy số người có việc làm tăng lên nhưng phần lớn lại là những việc làm chất lượng thấp, bấp bênh, độ rủi ro cao và thu nhập thấp như công nhân xây dựng, dệt may, vệ sinh môi trường, nông nghiệp…
Do bị sắp xếp vào những vị trí không thuận lợi, không được đào tạo kỹ càng, nghỉ ốm đau, thai sản nhiều, năng suất lao động thấp nên thu nhập của lao động phổ thông nữ chỉ bằng khoảng 74,5% so với nam giới cùng ngành; cùng trình độ trung cấp hoặc đại học, thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 85% so với nam giới. Đã thế, giờ lao động của phụ nữ thường nhiều hơn nam giới từ 3 đến 4 giờ/ngày, ở miền núi, nông thôn còn nhiều hơn để làm việc nội trợ, chăm sóc con cái, làm kinh tế phụ của gia đình.
Lao động nhiều hơn, thu nhập thấp hơn, các quyền lợi khác cũng ít được hưởng hơn. Mặc dù đã có rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích bình đẳng giới, nhưng số cán bộ nữ làm công tác quản lý ngay ở những ngành nhiều nữ như giáo dục, y tế, văn hóa cũng thấp hơn nam giới, và phần nhiều chỉ là cấp phó.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, mặc dù đã ít hơn nam giới nhưng số cán bộ nữ đang có xu hướng giảm dần. Số đại biểu nữ trong Quốc hội khóa này không đạt chỉ tiêu đề ra (27/30%), cán bộ nữ cấp Bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng đều giảm, trong đó Bộ trưởng và tương đương từ 12% xuống còn 4,5%. Cán bộ nữ là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh còn ít hơn. Việc đào tạo chuyên môn cao cho phụ nữ cũng còn rất nhiều bất cập. Tỷ lệ nam/nữ ở bậc thạc sĩ là 70/30%; bậc tiến sĩ là 84/16%, giáo sư và phó giáo sư xấp xỉ 90/10.
Nhưng sau nhiều năm phấn đấu, tình hình bình đẳng giới ở nước ta còn hơn nhiều nơi. Trên thế giới hiện nay, 70% số người nghèo khổ là phụ nữ (phụ nữ chiếm 65% người nghèo ở Mỹ); 2/3 trong số 900 triệu người mù chữ là phụ nữ; 80 triệu trong số 130 triệu trẻ em không được đi học là các bé gái; 55 nước không có chỗ hoặc có rất ít chỗ cho phụ nữ ở Quốc hội; nhiều nước phụ nữ không được đến trường, không được bầu cử…
Bởi thế, vào năm thứ 99 của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngoài việc tặng hoa, mỗi người đều nên làm một việc gì đó để những người phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới được hạnh phúc hơn, được bình đẳng với nam giới hơn.
DUY VŨ