.

Lòng vả, lòng sung

Năm 2008, có 66.700 người lao động (NLĐ) mất việc làm, chưa kể khoảng 2.000 người nữa do chủ bỏ trốn nên cũng thành “tứ cố vô thân”. Theo chính sách hiện hành thì gần bảy vạn NLĐ đó đều không được nhận hỗ trợ mất việc, mà chỉ những ai mất việc làm kể từ ngày 23-2-2009 mới được Chính phủ trợ cấp (NLĐ, 26-2-2009). Điều đó có thật sự là một giải pháp hoàn toàn thỏa đáng hay không?

Trước hết, phải thấy rằng cách mà ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) lý giải về chuyện “khoảng 70-80% NLĐ mất việc làm, lại tìm được việc làm mới” là thiếu thực tế. Nếu đúng như thế thì tự nó đã phản biện lại tính chất của hỗ trợ bởi 20-30% không có việc làm trong tổng số bảy vạn NLĐ là một con số thực sự không lớn.

Mặt khác, cũng theo dự báo của ông Nguyễn Đại Đồng, trong năm 2009 sẽ có khoảng 400.000 NLĐ mất việc làm (con số của Hội Việc làm Việt Nam dự báo là 5 triệu người) là một con số khổng lồ. Làm thế nào để 70 hay 80% đó tìm được việc làm mới? Chẳng lẽ các doanh nghiệp sa thải công nhân cũ để tuyển công nhân mới hay sao? Và, cũng đừng nên tính đến những việc làm giật gấu vá vai, bữa có bữa không bởi nó rất thất thường và không đủ sống.

Thứ hai, thành ngữ Việt Nam có một câu rất hay rằng, “lòng vả cũng như lòng sung”. Nếu loại trừ những hoàn cảnh riêng (con đông, con ít) thì sự khó khăn khi bị mất việc làm là giống nhau. Thậm chí, những người mới bị mất việc còn đỡ khốn khó hơn những người đã mất việc nhiều tháng nay vì những chi phí phát sinh nhiều hơn, lâu hơn – chưa kể chuyện chi tiêu tết nhất và ngày giáp hạt.

Thứ ba, về nguyên tắc kinh tế và xã hội học, những người bị mất việc làm trước nhất, bao giờ cũng là những người có năng lực cạnh tranh thấp nhất. Cũng có nghĩa họ là những người có ít cơ hội nhất khi kiếm việc làm mới. Vậy, tại sao những người đó lại không đáng được hỗ trợ? Bên cạnh đó, rất nhiều lao động Việt Nam ở nước ngoài, mất việc từ trước “mốc” 23-2 nhưng đến bây giờ mới về nước thì giải quyết ra sao? Cần lưu ý rằng, ngoài chuyện mất việc, những NLĐ đó còn phải chịu khoản lỗ hàng chục triệu đồng do chi phí khi xuất khẩu lao động.

Sự công bằng trong việc nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước là nguyên tắc và cũng là quyền của mọi người lao động. Sự hỗ trợ đó có nhiều mục đích: Giúp NLĐ tạm ổn định đời sống trong giai đoạn đầu khó khăn, bảo tồn sức khỏe của NLĐ trong thời gian tìm việc; bảo vệ hạnh phúc gia đình của NLĐ mất việc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội và, sau cùng – nhưng quan trọng nhất, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta. Với những mục đích và ý nghĩa trên, cách phân biệt mất việc trước với mất việc sau rõ ràng là chưa hợp lý.

Một chính sách đúng phải là một chính sách thỏa mãn tối đa quyền lợi của tất cả mọi người. Bảy vạn lao động (chưa tính mất việc ở nước ngoài) là một con số không hề nhỏ bởi nó liên quan đến cuộc sống của hàng vạn gia đình. Một chính sách hiệu quả phải là chính sách tính đủ những hệ lụy do nó tạo nên. Và, không để cho bất kỳ người dân nào bị thiệt thòi là nguyên tắc quản lý tốt của mọi chính quyền. Rất mong Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh lại kế sách của mình. Tại sao có thể hỗ trợ được cho hàng trăm ngàn người mà lại không thể hỗ trợ cho mấy chục ngàn người khác, cùng cảnh ngộ?

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.