.

“Lột xác” phát triển

“Mỗi lần đến Đà Nẵng thì đều nhận thấy những cái mới. Đường và cầu đẹp, khang trang, đô thị hoành tráng, nền nếp, trật tự, đời sống người dân ngày càng được nâng cao”. Nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hôm 25-3 khi về dự lễ thông xe cầu Thuận Phước và khánh thành cáp treo Bà Nà dường như nói được hết suy nghĩ của người Đà Nẵng về quá trình đổi thay nhanh chóng của thành phố trong những năm gần đây.

Đó là sự đổi thay mang tính “lột xác”. Tháng 3 này, gần 20 tỷ đồng huy động từ tiền tài trợ của các doanh nghiệp Trung ương và địa phương được chi ra cho lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ hai đã làm thành phố thêm rực rỡ và ấn tượng hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ cái tên Đà Nẵng được biết đến nhiều như hôm nay, Đà Nẵng chưa bao giờ đẹp như hôm nay và người dân thành phố này chưa bao giờ tự hào về thành phố mình đang sống như hôm nay. 

Lễ hội pháo hoa quốc tế là gạch tiếp nối của quá trình đầu tư cho sự phát triển của Đà Nẵng vốn đã bắt đầu cách nay 10 năm, khi thành phố này chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chính thức vươn dậy sau 20 năm ngủ vùi. Khi chính quyền thành phố mạnh tay khởi động việc chỉnh trang đô thị 10 năm trước, cũng đã có rất nhiều người Đà Nẵng còn băn khoăn về việc xây thêm cầu hoành tráng để làm gì, mở thêm những con đường rộng thênh thang để làm gì trong khi dân số thành phố chưa đến một triệu người. Bây giờ, suy nghĩ đó đã thay đổi. Theo đề tài nghiên cứu của Viện Xã hội học (thuộc Viện Khoa học xã hội VN), thăm dò đầu năm 2008 cho thấy có 92% người dân Đà Nẵng sẵn sàng chấp nhận các quyết định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, 93,2% bày tỏ sự năng động và tự tin trong cuộc sống…

10 năm trước là lúc thành phố quyết tâm xây thêm cầu Sông Hàn - cây cầu đầu tiên bắc qua “bên tê Hàn” được xây mới sau hơn 20 năm giải phóng thành phố. Đến bây giờ, thành phố đang chuẩn bị khởi công cây cầu thứ bảy vượt sông. Năm 2000, Đà Nẵng khánh thành cầu sông Hàn, và từ đó đổi thay hoàn toàn vùng đất bên kia sông bao năm sống trong nghèo khó của những khu nhà chồ, vách đất. Từ cột mốc đáng nhớ này, quá trình quy hoạch và phát triển đô thị ở Đà Nẵng bắt đầu diễn ra với tốc độ mạnh mẽ. 10 năm chỉ là một thời gian ngắn đối với “quãng đời” của một đô thị lớn nhất miền Trung như Đà Nẵng, nhưng thành phố này đã “lột xác” hoàn toàn về cơ sở hạ tầng trước sự bất ngờ của rất nhiều người.

Sau khi đã giải quyết được cơ bản vấn đề cơ sở hạ tầng, bây giờ thành phố bên sông Hàn đang hướng đến mục tiêu mới: trở thành thành phố sạch nhất nước vào năm 2020. Năm 2008, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ra nghị quyết về việc xây dựng đề án “Đà Nẵng - thành phố môi trường” đến năm 2020, đưa ra các tiêu chí và lộ trình để ngăn chặn tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, đạt được mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xanh - sạch - đẹp là mục tiêu của Đà Nẵng tương lai, nhưng trên thực tế những dấu hiệu ban đầu của nó đã có thể thấy từ bây giờ, trên mọi nẻo đường khắp thành phố.

Phát triển “nóng” là cụm từ được nhiều người nhắc đến thời gian đầu khi Đà Nẵng bắt tay vào việc bứt phá đi lên, nhưng ít ai thấy được đó là sự phát triển có tính toán vì tương lai, và đến bây giờ những con đường rộng rãi, những cây cầu lớn và đẹp vượt sông mới thấy cần thiết như thế nào đối với người dân.

Giờ đây, tiếp tục để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, thành phố liên tiếp khởi động những công trình lớn hôm - nay - chưa - thấy - cần - nhưng - khi - hoàn - thành - sẽ - thấy - bức - thiết. “Tôi hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đà Nẵng”, lời khen tặng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng như sự phấn chấn của người dân Đà Nẵng hiện nay chính là động lực để thành phố này bước nhanh hơn đến xanh - sạch - đẹp.

NGUYỄN TRƯỜNG UY

;
.
.
.
.
.