.

Mối đe dọa vô hình

Hôm nay 24-3, cả thế giới dành một ngày để nói về căn bệnh lao. Dẫu đã có nhiều nỗ lực nhưng bức tranh về phòng chống lao ở các châu lục đang được tô đậm nhiều gam màu tối. Điều đáng tiếc cho loài người là sau 120 năm tìm ra vi khuẩn lao và trên 50 năm tìm ra thuốc trị lao, hiện nay dịch lao vẫn hoành hành và là căn bệnh gây chết người nhiều nhất hằng năm tại các nước đang phát triển.
 
Từ năm 1985, trên toàn cầu dịch lao xuất hiện thêm dưới hình thức mới khó chẩn đoán hơn và dễ chết hơn vì bệnh lao kết hợp với HIV/AIDS và khó điều trị hơn vì xuất hiện vi khuẩn lao kháng thuốc và kháng đa thuốc do con người dùng thuốc điều trị lao không đúng nguyên tắc đã tạo ra. Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị nhiễm bệnh lao, trong đó 450 ngàn người bị nhiễm trực khuẩn lao có khả năng kháng thuốc, 1,6 triệu người bị bệnh lao cướp đi sinh mạng mỗi năm. Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh lao xếp trong Top cao nhất thế giới. Ở nước ta, vi khuẩn lao đang lây lan mạnh trong cộng đồng.

Tại các bệnh viện chuyên khoa lao, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đa kháng thuốc đang tăng cao. Đây là điều đáng báo động bởi trong khi hàng trăm căn bệnh khác đang được khống chế thành công, không để lây lan trong cộng đồng dân cư thì bệnh lao đang có diễn biến rất phức tạp và khó kiểm soát. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến vi khuẩn lao siêu kháng thuốc ở Việt Nam?

Hàng chục năm trước, giới Y khoa nhận định, cũng giống như căn bệnh AIDS, bệnh lao đang khiến những người không may mắc phải mặc cảm vì sự kỳ thị, thậm chí bị xa lánh, sợ hãi trước những cơn ho kéo dài, đôi khi ho phun ra máu. Chính sự kỳ thị với căn bệnh này khiến cho tỷ lệ người mắc lao tìm đến các cơ quan y tế để khám, điều trị với tỷ lệ rất thấp.
 
Ðó là chưa kể chúng ta vẫn thiếu chế tài đối với người bán thuốc, người kê đơn… và quan trọng nhất là sự nghiêm túc tuân theo phác đồ điều trị của mỗi người bệnh. Trong khi đó, công tác phòng chống lao ở Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn do thiếu các văn bản pháp quy về vấn đề quản lý thuốc, đặc biệt là quản lý thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị chưa chặt chẽ.      
        
Dấu hiệu cơ bản của bệnh lao là ho kéo dài, cơ thể gầy sút cân, sốt, ra mồ hôi. Tuy nhiên sai lầm lớn nhất của nhiều người là sự đánh đồng giữa bệnh lao và những bệnh thông thường như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, ung thư phổi... Vì thế nhiều người chủ quan ngộ nhận khiến bệnh có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng và càng khó chữa, đặc biệt là lao phổi.

Bệnh lao lây qua đường hô hấp, nên tỷ lệ nhiễm rất cao. Theo cảnh báo mới nhất được Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương đưa ra là có trên 40% dân số Việt Nam mang vi khuẩn này (nhiễm vi khuẩn chưa có nghĩa là mắc bệnh). Bệnh thường bùng phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch, như khi mang thai, mắc bệnh tiểu đường, sau cắt dạ dày, nghiện rượu, kém dinh dưỡng, suy nhược ở tuổi già. Bệnh lao ngày nay được chẩn đoán dễ dàng, nhanh chóng và tỷ lệ điều trị lành bệnh trên 90% nhờ phối hợp nhiều thuốc lao hữu hiệu, nhưng còn gặp một vấn đề khó khăn duy nhất là việc điều trị lao đòi hỏi người bệnh phải kiên nhẫn điều trị đúng nguyên tắc trong một thời gian dài từ 6 đến 8 tháng.

Cho đến nay, dịch bệnh lao đã gia tăng và trở nên nguy hiểm hơn cho toàn thế giới sau khi đại dịch HIV/AIDS xuất hiện, sự di chuyển ồ ạt dân cư từ vùng dịch tễ lao cao đến vùng dịch tễ lao thấp, việc bùng nổ dân số trong những thập kỷ trước cùng với việc lơ là trong đầu tư kinh phí chống lao của nhiều nước cũng như sự hoạt động yếu kém của nhiều chương trình chống lao quốc gia.
 
Các chương trình y tế chưa phát huy hiệu quả và quan trọng nhất là công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh lao hiện nay ở nước ta vẫn còn mang tính chất hình thức, chưa tạo nên sự nhận thức cao trong nhân dân. Do vậy, bệnh lao vẫn là mối đe dọa vô hình nếu thiếu sự hiểu biết và hợp tác cùng hành động trong phòng, chống.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.