.

Một vệt tốt trong kích cầu

Qua đánh giá tình hình tháng 2 của Chính phủ, từ kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tỷ lệ xuất nhập khẩu, thu ngân sách, đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam tới chỉ số giá tiêu dùng đều xuất hiện những yếu tố khả quan, ít nhất là không xấu hơn dự đoán, điều đó chứng tỏ gói kích cầu đã phát huy tác dụng. Nhưng cũng trong vài tháng qua, hàng nhập qua cửa khẩu với Trung Quốc, hàng lậu qua biên giới trên bộ và trên biển đang có xu hướng tăng lên.

Hàng Trung Quốc (nhất là hàng kim khí, điện tử dân dụng, quần áo may sẵn và thực phẩm) với giá rẻ và chất lượng không quá tồi, bán rất chạy và ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa rộng lớn và không quá khó tính. Nhiều doanh nghiệp được tín chấp, được vay vốn lãi suất thấp, được hưởng các chính sách thuế ưu đãi… từ gói kích cầu đang phất lên do đã đổ vốn kinh doanh hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc, trong khi sản xuất trong nước nói chung đang gặp khó khăn.

Theo quy luật của thị trường, nơi nào có lợi nhuận cao, nơi ấy hấp dẫn nhà kinh doanh, điều đó khó tránh khỏi. Hơn thế, trước một nền kinh tế khổng lồ, cùng với nó là một gói kích cầu cũng khổng lồ với mục tiêu chính là đẩy mạnh xuất khẩu, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tránh các biến động xã hội do kinh tế trì trệ, đầu ra khó khăn, thất nghiệp gia tăng gây ra, sự chống đỡ của một nền kinh tế còn non yếu như ta không phải chuyện dễ dàng.

Nhưng vấn đề cần nói ở đây là nguồn vốn mà doanh nghiệp có là sự nhường nhịn của toàn xã hội cho doanh nghiệp để họ tham gia vào mặt trận bảo vệ nền kinh tế trước cuộc đại khủng hoảng toàn cầu, bằng việc đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước với giá rẻ, chất lượng tốt; tìm thêm được thị trường, thu hút thêm việc làm. Dùng vốn kích cầu đi kinh doanh những mặt hàng không nên kinh doanh, dùng tiền kích cầu của ta để kích cầu cho người khác là không nên, nếu không nói là trái với lương tâm và trách nhiệm với đất nước trong lúc khó khăn này.

Cũng hơn bao giờ hết, những cán bộ hải quan và lực lượng quản lý thị trường cần kiên quyết hơn nữa trong việc chống buôn lậu, không thể lơ là hoặc có nhiều chuyện tiêu cực như lâu nay, nhất là vào lúc này. Nếu không có lãi lớn hơn buôn bán qua cửa khẩu thì không ai buôn lậu làm gì. Và nếu không có những lỗ thủng để hàng lậu lọt qua thì không thể có chuyện càng chống, buôn lậu càng gia tăng. Hàng có thuế qua biên giới còn khó cạnh tranh, hàng lậu qua biên giới thì làm sao thắng nổi về giá cả.

Một vệt tối trong chuyện kích cầu. Một vệt thôi nhưng đang làm mất hiệu quả của hàng trăm tỷ đồng mồ hôi nước mắt, trong khi cơn bão kinh tế toàn cầu chưa hết hoành hành.

Duy Vũ

;
.
.
.
.
.