Một trong những vấn đề làm báo chí tốn giấy mực nhiều nhất, mâu thuẫn hay ít nhất là sự khó tương thông về cách hiểu, cách nghĩ của loài người là quan niệm về hai chữ “nhân quyền (The Human Rights).
Lần đến các nền văn minh xa xôi cách đây hàng ngàn năm đã có những bất đồng tương tự. Khi Alexandre Đại đế (thế kỷ III tr.CN) đứng trên miệng cống, nhìn xuống nhà triết học Diogène đang nằm co ro dưới đó và nói: “Ta sẽ làm tất cả những gì ngươi muốn”. Nhà triết học trả lời: “Nếu thế, xin Hoàng đế hãy đi đi, đừng đứng đó kẻo chắn mất ánh sáng mặt trời của tôi”. “Nhân quyền” của Madona là tự do trở thành Eva trên bãi biển Miami, còn đối với người phụ nữ Hồi giáo thì có nghĩa là họ có quyền che kín cả gương mặt xinh đẹp của mình…
Báo cáo về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (BNGHK) mới đây ngang nhiên cho rằng “Việt Nam chưa thỏa đáng về mặt nhân quyền” thực chất là thế nào?
Nhóm cáo buộc thứ nhất là vấn đề liên quan đến tôn giáo. Trong đó, BNGHK cho rằng “người dân bị hạn chế đi lại, hội họp và lập hội”. Nhà nước ta vừa công nhận tổ chức giáo phái mới và chưa bao giờ ngăn cản ai, bất kỳ sự di chuyển nào trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Trong khi đó, trả lời BBC, Linh mục Chân Tín, thuộc dòng Chúa Cứu thế, nhà thờ Kỳ Đồng, TP. Hồ Chí Minh đã nói rằng:
“Vâng, có sự cởi mở (của Đảng và Chính phủ Việt Nam) về tôn giáo…, còn làm khó dễ trong vấn đề tôn giáo, bây giờ không có gì là căng thẳng cả” (BBC, 26-2-2009). Tại sao các nhà ngoại giao Mỹ không tiếp cận được thông tin này? Phải chăng họ cố tình bịt tai, bưng mắt để tư biện theo cách “cứu cánh biện minh cho tất cả”?
Nhóm cáo buộc thứ hai là vấn đề chính trị. BNGHK cho rằng Nhà nước CHXHCN Việt Nam không thúc đẩy đa nguyên, đa đảng. Họ trả lời sao khi tại Hoa Kỳ, hàng trăm năm nay, đa gì thì đa, chỉ có một trong hai đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ cầm quyền? Như thế chỉ là “2 trong 1” mà thôi. Mặt khác, tại sao Singapore, độc đảng từ nửa thế kỷ nay, tại sao không được nhắc đến? Đó là chưa nói đến Nhật Bản, suốt 60 năm qua chỉ duy nhất đảng LDP cầm quyền cho dù nước Nhật có tới 40 đảng phái.
BNGHK đã cố tình để quên mất rằng vấn đề lựa chọn hình thái chính trị phải tùy thuộc vào điều kiện dân sinh, dân trí, đặc điểm văn hóa của mỗi quốc gia. Giống như khẩu vị, nó khước từ mọi lời khuyên.Nhóm cáo buộc thứ ba là BNGHK cho rằng Việt Nam có chuyện “buôn người, bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ; di dân, thu đất bất hợp lý, tham nhũng hoành hành”. Tại sao BNGHK đã quên mất rằng giành độc lập từ năm 1783 nhưng phải đến năm 1920, Quốc hội Mỹ mới cho phép phụ nữ bầu cử? Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam luôn cố gắng làm hết trách nhiệm trong việc ngăn chặn tệ nạn buôn bán phụ nữ.
Đó là sự thực rõ như ban ngày. Còn nạn bạo hành gia đình, đó là vấn nạn của toàn thể thế giới này, không dễ gì ngày một, ngày hai giải quyết được. Đọc báo, chuyện nước này, nước khác trong nền văn minh phương Tây đương đại, với việc cha giam cầm con gái, bố dượng hành hạ con riêng của vợ, cưỡng hiếp đẻ đến mấy đứa con, sao không thấy nhắc đến?
Nền văn minh Hoa Kỳ đương đại có không ít những điểm sáng, thậm chí đạt đến trình độ là khuôn mẫu cho các nguyên tắc ứng xử, tiêu dùng, văn hóa. Thế nhưng, văn hóa là ngôi nhà rộng có rất nhiều khác biệt, đặc thù. Tại sao anh nghĩ bánh mỳ là ngon còn với tôi, cơm mới là ngon nhất; lại trở thành điều bất đồng không thể giải quyết? Áp đặt ý thức văn hóa là sự sai lầm không thể biện minh.
Mặt khác, nếu Hoa Kỳ mất đến 100 năm để trao quyền công dân đầy đủ cho người da đen (năm 1865 chấm dứt nội chiến; năm 1965, TT Lyndon B. Johnson ký sắc lệnh này); thì tại sao lại phải thúc ép Việt Nam đi thật nhanh, đến thật sớm, trong khi các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội hoàn toàn chưa tương thích?
Nhân quyền, hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất là quyền công dân của nước đó được phát huy, có hiệu quả cao nhất nhằm đem lại cuộc sống yên vui, no đủ cho con người. Đó là điều mà Đảng, Chính phủ Việt Nam đã và đang làm được.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Nhân quyền: thực và ảo
Thứ Ba, 03/03/2009, 08:05 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.