.

Nhìn người mà ngẫm đến ta

Thủ đô Hà Nội trong thời gian vừa qua, rộ lên vấn đề chiếm dụng đất công viên để xây dựng khách sạn. Vấn đề này thu hút rất nhiều người quan tâm, từ những nhà nghiên cứu khoa học, kiến trúc sư, người dân thủ đô và kể cả những người đã một thời ăn cơm nhà đi lao động để tạo nên màu xanh, chỗ vui chơi cho cộng đồng.

Hội thảo “Khai thác hiệu quả công viên-vườn hoa Hà Nội” vừa mới được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, các đại biểu đã đề cập nhiều đến vấn đề cây xanh. Không phải ngẫu nhiên chủ đề công viên, cây xanh lại tốn nhiều giấy mực và làm cho nhiều người quan tâm đến vậy. Nhìn người mà ngẫm đến ta, công viên, cây xanh ở thành phố Đà Nẵng có gì đáng quan tâm?

Những ai đã từng sống ở Đà Nẵng đều cảm nhận một thực tế, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Chỉ trong một thời gian ngắn, công nghiệp hóa cùng với đô thị hóa đã diễn ra khá đồng bộ và ngày càng mở rộng trên khắp địa bàn thành phố, mức sống vật chất của xã hội theo đó cũng ngày một nâng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân cũng được tăng lên.

Thế nhưng, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, nguy cơ về sự suy thoái môi trường, đặc biệt là không gian xanh đô thị ngày càng bị thu hẹp, tỷ lệ nghịch với sự phát triển không gian kiến trúc đô thị. Nhiều nhà khoa học đều cho rằng, trong sự phát triển chung của đô thị Đà Nẵng, không gian cây xanh đô thị được đánh giá là một trong những giá trị cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế ở Đà Nẵng cho thấy, mật độ cây xanh trong các khu dân cư rất thấp, môi trường sống chưa được cân bằng và phù hợp.

Tại Đà Nẵng, cây xanh dành cho công viên rất ít, trước năm 2000 chỉ có Công viên 29-3. Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có thêm Công viên Trung tâm đường 2-9, và sắp đến là Công viên Thanh niên... Thế nhưng, mảng cây xanh về dân dụng rất ít, nếu không muốn nói là quá khan hiếm...

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã bỏ ra rất nhiều tiền của để tạo nên màu xanh cho thành phố. Bên cạnh việc đầu tư ngân sách, thành phố đã cử các kỹ sư, chuyên gia ra nước ngoài để học tập về trồng cây xanh trên đường phố, thế nhưng xem ra mới dừng lại ở việc “học” chứ chưa thấy “hành”. Trong việc trồng cây xanh trên các đường phố cũng còn nhiều bất cập. Cây xanh ở tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành là một ví dụ.

Để tăng thêm giá trị trên con đường ven biển đẹp nhất miền Trung này, người ta đã mua hàng trăm cây dừa với tuổi thọ cao về trồng dọc trên tuyến đường và lại trồng vào mùa hè. Do dừa đã “lão”, trồng vào mùa nắng cho nên số cây sống rất ít, nếu cây nào “may mắn” sống được thì còm cõi, không phát triển được. Rồi lại có “sáng kiến” trồng hàng trăm cây bàng dọc ta-luy bê-tông với khoảng cách dày đặc, nhưng vài ngày sau đó lại phá đi, rất tốn kém.

Đó là chưa kể, năm này trồng loại cây này, năm sau lại phá đi để thay thế một loại cây khác nhưng không mang lại hiệu quả, trông rất nhếch nhác. Chính vì vậy, đường ven biển Nguyễn Tất Thành, mảng cây xanh chỉ mang nét chấm phá. Người thành phố ước gì, trên con đường du lịch này, cây xanh đẹp như đường ở ven biển Nha Trang... Thành phố Đà Nẵng có những cây xà cừ và những cây cổ thụ khác hàng trăm năm tuổi. Trước mỗi mùa mưa bão đến, lo cây ngã, người ta đã tiện cây không thương tiếc, để lại những cây cổ thụ chẳng giống ai...

Theo định hướng quy hoạch tổng thể, đến năm 2020, cây xanh nội đô tại thành phố Đà Nẵng diện tích chỉ khoảng 270ha. Với quy mô dân số định hướng đến năm 2020 của thành phố Đà Nẵng trung bình là 1,350 triệu dân, theo chỉ tiêu cây xanh khu dân dụng cho đô thị loại 1 trung bình 6,5m2/người thì diện tích cây xanh của thành phố phải là 8.775.000 m2 (877ha). So với quy chuẩn quốc gia nêu trên, thì chỉ tiêu cây xanh trên tổng thể nội đô (khu dân dụng) của thành phố Đà Nẵng theo quy hoạch chỉ đạt khoảng hơn 1/4 so với chỉ tiêu quy định. Như vậy, chưa hợp lý đối với đô thị loại 1 có chức năng là thành phố du lịch, thành phố môi trường như Đà Nẵng...

Cho nên, từ việc bảo vệ các công viên, bảo vệ cây xanh ở thủ đô Hà Nội là bài học lớn cho thành phố Đà Nẵng hôm nay và mai sau... Vì một không gian xanh, vì một thành phố môi trường, nên chăng, bên cạnh việc bảo vệ những công viên đã có, đang có, Đà Nẵng có thể dành những khu đất “vàng” để tạo nên những công viên, những “rừng” cây xanh giữa phố, đó là mong ước của không phải riêng ai...

LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.