Nói đến chuyện xây dựng nhà ở trái phép, thông thường chúng ta nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà “chạy giải tỏa” tại các khu vực phong thanh nguồn tin về việc xây dựng các dự án. Đà Nẵng có dạo chỉ sau một đêm có hàng loạt ngôi nhà mọc lên; có hàng trăm mét vuông đất trống bỗng dưng trở thành vườn cây hoặc ruộng rau và kết quả của nó đã làm cho các cơ quan chức năng tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, giấy mực để giải quyết.
Trong khi chuyện “chạy giải tỏa” từng bước “giảm nhiệt” mà nguyên nhân chủ yếu là do kỷ cương trên lĩnh vực xây dựng đã được siết chặt, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cá nhân được cụ thể hóa thì hoạt động xây dựng nhà ở trái phép vẫn chưa dứt. Đáng lưu ý thực trạng này lại diễn ra ngay tại những khu dân cư (KDC) đã được quy hoạch và có đủ các quy định cụ thể về kiến trúc cảnh quan, thiết kế nhà ở mẫu như trục đường Điện Biên Phủ hay tại các dự án KDC Nguyễn Tri Phương.
Báo chí đã từng phản ánh thực trạng: hàng chục ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ xây dựng trái phép hoặc không phép. Một trong số nguyên do được ghi nhận là: Các nhà ở thiết kế sẵn không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và công năng sử dụng của gia đình nên phải có thiết kế khác. Rắc rối ở chỗ nếu sử dụng thiết kế khác thì không được cấp phép xây dựng.
Do vậy, nhiều gia đình xuất chiêu “tiền trảm, hậu tấu”: xây dựng không phép, sau đó chấp nhận nộp phạt để có mẫu nhà ưng ý; hoặc xin phép xây dựng, sau đó “tự làm sai” thiết kế nhà mẫu(?). Mới đây, theo thông tin từ Sở Xây dựng, kể từ tháng 1-2009, 14 kiến trúc sư đã được phân công theo dõi, thực hiện quản lý kiến trúc cảnh quan trên các tuyến đường quan trọng của thành phố.
Theo đó, các kiến trúc sư được phân công có nhiệm vụ tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan và nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý, thiết kế kiến trúc cảnh quan mới. Đây có thể xem là động thái tích cực nhằm giải quyết bài toán về kiến trúc phù hợp với thẩm mỹ và công năng sử dụng các công trình nhà ở, cảnh quan nhằm phòng tránh những “quy định lỗi thời”.
Bàn về các quy định, hoặc thời hiệu thực hiện các văn bản luật mà khi áp dụng tỏ ra rất “vênh” với thực tế, có lẽ báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực. Thời sự nhất phải nói đến chuyện thực hiện Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi có hiệu lực vào ngày 1-7 năm nay. Theo đó, tài xế lái xe container phải có Giấy phép lái xe (GPLX) hạng FC thay vì hạng C như hiện nay.
Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có khoảng 100.000 lái xe buộc phải đổi bằng, trong khi đó thời hạn thực hiện chỉ còn vỏn vẹn vài tháng. Nếu thực hiện nhất nhất theo quy định này, thì nhân lực lái xe container thiếu trầm trọng, các doanh nghiệp có hàng trăm hàng nghìn xe hết đường trở tay. Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Cục đã có văn bản trình Bộ GT-VT cho phép lùi thời điểm thực hiện quy định này đến ngày 1-7-2010 và hiện đang chờ quyết định của Bộ… Thời hạn cấp đổi GPLX, nhân lực lái xe container, hoạt động vận tải của các doanh nghiệp… hẳn là ngành giao thông hiểu hơn ai hết, vậy mà vẫn có những quy định “vênh” so với thực tiễn như vậy, quả là đáng tiếc!
Từ những sự việc trên, suy rộng ra, tất cả những quy định trong các mặt đời sống xã hội, nếu đã lỗi thời hoặc quá cứng nhắc nhưng không được soát xét để bãi bỏ hoặc thay đổi sẽ dẫn đến hiệu ứng không tốt đối với xã hội. Người dân, vì những lợi ích chính đáng của họ, sẽ bị buộc phải vi phạm các quy định ấy. Về mặt hình thức, điều này sẽ có tác động xấu bởi kỷ cương bị xem thường. Thực tế chứng minh, các quy định nào phù hợp lòng dân, không mang tính áp đặt mới trường tồn!
HẢI HÀ
.
.
Những quy định “vênh” so với thực tiễn
Thứ Năm, 12/03/2009, 08:12 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.