Kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy đã phát biểu: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Đà Nẵng cần phải luôn ý thức rằng: Đà Nẵng phát triển không chỉ cho Đà Nẵng, mà còn phải có sức hút mạnh hơn, để rồi có sức lan tỏa rộng hơn. Một Đà Nẵng phát triển sẽ mang lại sự thụ hưởng cho mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, mọi đơn vị.
Còn nếu một Đà Nẵng chậm phát triển, đời sống nhân dân chậm được cải thiện, cán bộ hư hỏng, biến chất, kèn cựa, địa vị, cá nhân chủ nghĩa…thì sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu… chúng ta không những có lỗi với nhân dân hôm nay, với thế hệ mai sau, mà chúng ta còn có tội trước bao anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì sự trường tồn và phát triển cho mảnh đất này”. Tâm tư của đồng chí Bí thư Thành ủy cũng là tâm tư, ước vọng của người Đà Nẵng, của các thế hệ đang sống trên thành phố anh hùng này. Đà Nẵng đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được cho hôm nay và cho cả mai sau.
Kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, người Đà Nẵng có thể tự hào với những gì đã làm được, đặc biệt là sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để có một Đà Nẵng như ngày hôm nay, không chỉ là lòng quyết tâm, sự sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa ý Đảng, lòng dân, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để tạo nên sức mạnh trong xây dựng và chỉnh trang đô thị, trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
Sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, công cuộc đô thị hóa phát triển trên quy mô rộng lớn và với một tốc độ nhanh chóng chưa từng thấy. Có thể nói, chưa có một nơi nào công tác quy hoạch, kiến trúc, chỉnh trang xây dựng, phát triển đô thị lại được các cấp lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, trực tiếp chỉ đạo sâu sát và được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư luận bàn, hưởng ứng tham gia, đóng góp, giám sát như ở thành phố Đà Nẵng…
Yếu tố thành công nhất của ý chí lãnh đạo là lòng quyết tâm rất cao, là sự lôi cuốn được niềm tin, sự đồng thuận của cộng đồng xã hội. Điều đó đã tạo nên một sức mạnh tập thể to lớn hiếm thấy. Với sức mạnh đó, Đà Nẵng đã làm được những việc mà nhiều năm trước đó ít ai dám nghĩ tới như: giải tỏa hàng vạn ngôi nhà để mở những tuyến đường huyết mạch như đường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Sơn Trà - Điện Ngọc, Điện Biên Phủ…; thu hồi, chuyển đổi hàng nghìn hecta đất để mở rộng các khu đô thị Tây Bắc; Nguyễn Tri Phương-Trường Sa, Thuận Phước, Bắc Mỹ An, Hòa Hải, Nam Cẩm Lệ, khu du lịch sinh thái bán đảo Sơn Trà...; kè sông, lấn biển, bạt núi để khai thác các giá trị còn tiềm ẩn.
Chính sự đồng thuận trong tập thể lãnh đạo thành phố cũng như cộng đồng dân cư, trong suốt hàng chục năm qua đã cùng nhau chung lưng đấu cật, kiên trì, bền bỉ nỗ lực và quyết tâm cao đã nhanh chóng làm thay da đổi thịt, tạo thế phát triển hiện đại, văn minh để Đà Nẵng sớm gánh vác sứ mệnh “Đô thị hạt nhân, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên; một trong 3 trung tâm lớn của 3 cực phát triển đất nước”. Đà Nẵng đã xây dựng được những cơ chế phù hợp, thông thoáng để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, trong đầu tư.
Chính sự đồng thuận trong nhân dân đã trở thành nguồn lực để nâng đỡ bộ máy chính trị gắn chặt với nhân dân. Hầu như các chủ trương của thành phố trong việc chỉnh trang, quy hoạch đều được nhân dân tìm hiểu, bàn bạc và thống nhất. Sự đồng thuận của mọi người dân không chỉ thông qua chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chủ trương “Khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” trong khu đô thị và nông thôn mà còn đồng thuận ở việc chấp hành chủ trương di dời, giải tỏa, đóng góp sức người, sức của trong việc phát triển và chỉnh trang đô thị.
Để có một đô thị văn minh hiện đại, Đà Nẵng đã và đang thực hiện chương trình “5 không”: Không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của”, đồng thời chính quyền và nhân dân thành phố đang ra sức thực hiện chương trình “3 có”: có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị với những việc làm cụ thể. Những chương trình sát thực đó chính là ý Đảng, là lòng dân, là sự đồng thuận của vạn trái tim, vạn tấm lòng…
Những gì Đà Nẵng đã làm được là đáng trân trọng, đáng tự hào. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn mới của đất nước, với vai trò là thành phố động lực trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, hướng đến một đô thị hiện đại, phát triển bền vững: Đà Nẵng - thành phố Môi trường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định còn nhiều nhiệm vụ phải tiếp tục thực hiện, với sự phấn đấu bền bỉ và lâu dài của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố…
Lê Văn Hoa