Cách đây mấy năm, Tuổi Trẻ Cuối tuần có đăng bài “Đến Hội An để đi ngủ sớm”. Người viết bài này đã bình luận sự kiện đó trên báo Lao Động. Mấy ngày sau, tôi nhận được một lá thư rất dài của vị lãnh đạo cao nhất của thị xã Hội An. Nội dung bức thư đại ý là ông đã trách tác giả của bài báo và có nhã ý mời tôi đến Hội An để mục sở thị rằng: Hội An ngủ không sớm lắm như nhà báo nói...
Đà Nẵng đang có đề án mở phố đi bộ dọc hai bên bờ sông Hàn. Khỏi phải bàn vì đó là ý tưởng đúng và cấp bách. Một trong những đặc trưng của đô thị là phải có sinh hoạt về đêm. Thiếu đặc trưng này, đô thị chỉ là “thành phố nhà quê” mà thôi. Tôi đã từng lang thang suốt đêm ở Thượng Hải, ở Bắc Kinh..., và, không hề thấy cảm giác muốn ngủ.
Nguyên nhân đơn giản thôi: Ở đó có những khu phố mà con người không thể ngủ! Hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hay nói rằng họ sẽ làm cho du khách mỗi ngày có 25 giờ (!) Đó không phải là một câu nói suông. Du khách đến với một miền đất lạ thường có tâm lý khó ngủ, thậm chí không thể ngủ. Vậy mà, 22 giờ đêm đã đóng cửa tắt đèn thì có khác gì ta khơi dậy sự bực bội của những con người thích khám phá, hiểu biết? Mặt khác, nếu ban ngày thành phố là một “lá phổi” - của những sôi động kiếm sống nhọc nhằn, khẩn trương; thì ban đêm, thành phố là một “trái tim”. Chỉ có lúc ấy, du khách (và cả chính ta nữa) mới cảm nhận được đủ đầy tiếng thì thầm đích thực của một thành phố của tình cảm, tĩnh lặng và da diết đến mức nào...
Phố đi bộ không có nghĩa là đi và... hết. Tiêu chí một, nó nhất thiết phải là một Đà Nẵng thu nhỏ, có nghĩa là phải phản ánh được bộ mặt thật của thành phố ban ngày. Chẳng hạn, phải có chợ rau, chợ hàng ăn... Đừng sợ chuyện ô nhiễm. Dẫu không có phố đi bộ thì chợ rau, thịt cá vẫn họp thâu đêm suốt sáng cơ mà? Nếu tổ chức tốt, vệ sinh sạch sẽ, thưởng phạt nghiêm minh thì chuyện mất vệ sinh chỉ là chuyện rất nhỏ so với chuyện dẹp bỏ nạn ăn xin. Tiêu chí hai, phải có các sinh hoạt văn hoá như ca nhạc, internet, billiard...
Chính quyền thành phố Đà Nẵng cần chấp nhận (và rất nên) bù lỗ trong thời gian đầu cho những chi phí tốn kém này; coi như đó là khoản đầu tư hữu ích, quảng cáo cho một thương hiệu. Chỉ cần vài ba tháng, tiếng lành đồn xa, du khách sẽ cứu lỗ nhãn tiền. Tiêu chí ba, cần phải có những nét đặc sắc, riêng biệt của văn hóa Đà Nẵng theo cách định nghĩa của UNESCO: “Văn hóa là hệ thống tổng thể những giá trị biểu trưng (ký hiệu, tín hiệu = signal), quy định cách ứng xử, thái độ giao tiếp của một cộng đồng và, làm cho cộng đồng đó có đặc thù riêng”.
Xin dẫn chứng: Ở Hàng Châu, Trung Quốc, các nghệ nhân đúc đồng đưa xưởng của họ ra lề phố với rất nhiều mẫu vật và du khách, nếu thích, sẽ làm ngay một thứ theo đề nghị của mình để làm kỷ niệm. Tại sao không thể đưa chạm khắc đá Ngũ Hành Sơn ra bờ sông Hàn để nếu cần, tạc một bức tượng nhỏ, chẳng hạn trên đó có khắc: “Julia - Đà Nẵng - 2009”? Chúng ta sẽ dễ dàng nhất trí với nhau rằng tấm phù điêu hay pho tượng nhỏ đó là một “báu vật”, bởi không gì thú vị hơn khi ta đến nơi đó, nơi kia mà lại có thể mang về một phần hồn, tinh túy, máu thịt của miền đất ấy.
Những ý tưởng của cái độc đáo thì người viết bài này không dám lạm bàn vì không có chuyên môn, nhưng tin chắc rằng, nếu huy động đủ trí và lực thì nhất định Đà Nẵng sẽ “hổng giống ai” theo ý nghĩa tốt lành. Xin mạo muội đề xuất rằng, cầu quay trên sông Hàn thay vì đóng mở một lần thì sao lại không thể hai lần? Và, đừng quên rằng một trong những thói xấu nhất của người Việt là thích “chặt, chém” về giá cả; ăn xổi, ở thì. Kiểm soát được hai thói quen xấu này ngay từ đầu là lẽ sống còn của phố đi bộ.
Kích cầu cần phải có đột phá và mạnh bạo. Muốn đi bộ thì cũng phải “tiếp sức” cho người đi. Đừng nghĩ rằng chỉ người nước ngoài mới đi và thức. Nếu tổ chức tốt thì có không ít du khách nội địa cũng chẳng thể ngủ yên khi Đà Nẵng về đêm đẹp, hấp dẫn, bình yên và ngạc nhiên đến mức ai cũng phải sững sờ...
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Phố đi bộ
Thứ Hai, 09/03/2009, 08:35 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.