.

Trách nhiệm công dân về ATVSLĐ-PCCN

Ngày 23-2-2009, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) thành phố Đà Nẵng có Kế hoạch số 977/KH-BCĐ về tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 11, năm 2009 trên địa bàn thành phố. Thời gian phát động Tuần lễ diễn ra từ ngày 1-3 đến 14-4-2009; trong đó, đợt cao điểm từ ngày 15 đến 21-3-2009. Đợt phát động lần này có chủ đề: “Nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ-PCCN”.

Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được tổ chức hằng năm; qua đó nhằm cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức của các ngành, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các nguyên tắc, quy trình, quy phạm kỹ thuật hướng đến một môi trường lao động được cải thiện và an toàn. Một số doanh nghiệp đã tổ chức triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN với nhiều hình thức phong phú, sát thực. Đồng thời, tổ chức thăm các gia đình nạn nhân và người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mất sức lao động từ 81% trở lên do tai nạn lao động…

Các hoạt động trên đã góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức và hiểu biết về pháp luật ATVSLĐ-PCCN của người sử dụng lao động và đông đảo người lao động. Tuy vậy, công tác ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn thành phố trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế chưa khắc phục được như tỷ lệ người lao động chưa được huấn luyện lao động còn cao, số vụ tai nạn lao động tuy có giảm nhưng không đáng kể, sự cố cháy nổ qua các năm chưa giảm và vẫn còn nhiều tiềm ẩn…

Riêng trong năm 2008, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, có 37/118 doanh nghiệp có xảy ra tai nạn lao động với 245 vụ tai nạn lao động, trong đó có 225 vụ người bị thương nhẹ, 13 vụ người bị thương nặng và 7 vụ có người bị chết. Các lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động là xây dựng, sử dụng máy móc, thiết bị… Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động trên là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp ATVSLĐ, thiết bị, điều kiện làm việc không an toàn, không huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, không có trang bị phương tiện bảo hộ lao động.

Công tác PCCN, theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an thành phố, trong năm 2008 trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ nổ nào, xảy ra 74 vụ cháy, trong đó có 18 vụ cháy cơ sở sản xuất, 1 vụ cháy công trường xây dựng, dịch vụ, 7 vụ cháy phương tiện vận tải, 4 vụ cháy khu vực công cộng, 3 vụ cháy trường và 41 vụ cháy nhà dân. Như vậy, trong lĩnh vực cháy nổ, hầu như ở khu vực nào cũng có các vụ cháy xảy ra. Nguyên nhân của các vụ cháy là do sự cố về điện, sơ suất khi sử dụng lửa, thiết bị không an toàn và cả chủ ý đốt.

Rõ ràng, công tác ATVSLĐ-PCCN là một nhiệm vụ quan trọng của bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân nào. Đã từ lâu, công tác này được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tổ chức thực hiện; nhưng trên thực tế, đôi lúc, đôi nơi chúng ta còn thực hiện theo kiểu phong trào, các đợt cao điểm, chưa thường xuyên, liên tục, vì thế cháy nổ vẫn còn xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Đã đến lúc, mọi công dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn lao động và cháy nổ; các tổ chức, cá nhân thấy rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ-PCCN để làm sao hằng năm không còn xảy ra những sự cố đáng tiếc về cháy, nổ trên mọi địa bàn dân cư, không có người chết, người bị thương vì cháy nổ, vì lao động mưu sinh

. Muốn vậy, các ngành, các cấp và từng doanh nghiệp phải thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền về ATVSLĐ-PCCN đến tận người sử dụng lao động, người lao động và mỗi người dân. Đặc biệt, các ngành chức năng  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ATVSLĐ-PCCN; đôn đốc doanh nghiệp tự kiểm tra ATVSLĐ-PCCN nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ.

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.