.

25% và 13 năm

Tại cuộc họp bàn về phương án quy hoạch và dự toán kinh phí triển khai 5.000 căn nhà ở xã hội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố rằng, hiện đã có 9 khu đất có thể triển khai ngay phương án này với phương thức không thu tiền đất như Khu số 2 Nguyễn Tri Phương có diện tích 3.672m2, khu Tây Bắc với diện tích 2.750m2...

Đây thực sự là một trong những tin đáng chú ý nhất ngay trước thềm kỷ niệm ngày 30-4 lịch sử. Mấy tuần nay báo chí đã bàn luận rất nhiều rằng ngay cả người có thu nhập cao vẫn rất khó mua nhà giá thấp (Tuổi Trẻ, 18-4-2009). Đà Nẵng, một lần nữa đã đi tiên phong khi giao đất xây khu chung cư không thu tiền (để giảm đến mức thấp nhất giá thành của căn hộ). Và như vậy, cơ hội của những gia đình nghèo về việc sở hữu một căn hộ đã được hiện thực hóa chứ không còn là ước mơ nữa. Giá cao nhất của mỗi căn hộ 50m2 là 200 triệu đồng. Thế nhưng, người mua chỉ phải nộp trước 25% (50 triệu) với quyền được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất chỉ 2,9%/năm. Phần còn lại (75%) sẽ trả dần trong 13 năm!

“Người nghèo có thể cười” là ý nghĩa lớn nhất của cách làm này. Có thể nói rằng, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã cùng lúc giải quyết tất cả những thông số X và Y của “bài toán” nhà ở xã hội.

Thứ nhất, các kế hoạch vì người nghèo lâu nay từ khi có định hướng đến lúc triển khai thường là một khoảng cách rất dài. Dài đến mức dẫu có sự “táo bạo khi hy vọng” (theo cách nói của B.Obama), thì người nghèo cũng có tâm lý chấp nhận... thất vọng. Đà Nẵng đã thay đổi một cách toàn diện và sâu sắc lối nghĩ ấy khi đã chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng cho dự án triển khai ngay.

Thứ hai, khoản tiền 200 triệu đồng mà mỗi gia đình nghèo phải “có ngay” khi mua nhà, trên thực tế là điều không tưởng. Cách giải quyết vấn đề theo công thức 25% + 13 năm quả là một giải pháp lý tưởng.
 
Thứ ba, giá thuê một căn hộ ở tầng 4, diện tích 40m2 hiện nay ở đường Nguyễn Tri Phương nối dài là 900.000 đồng/tháng; tức là xấp xỉ bằng tiền trả góp để mua căn hộ đó trong 13 năm. Lợi ích kinh tế là không phải bàn cãi vì thuê và “mua được cho mình” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
 
Thứ tư, nếu dự án trên được thực hiện một cách suôn sẻ thì đó chính là một trong những giải pháp kích cầu tốt nhất đối với sự suy thoái kinh tế hiện nay. Hàng ngàn công ăn việc làm sẽ được tạo ra và hạn chế thất nghiệp là điều có thể.

Thứ năm, về mặt “tâm lý sống”, dự án trên sẽ động viên, tạo nên lực đẩy cực kỳ lớn để mọi người nghèo cố gắng hơn trong nỗ lực nhằm thay đổi một “giấc mơ” để hiện thực hóa cuộc sống tốt đẹp của chính mình. Nói cách khác, tác động xã hội của dự án là nhiều chiều và luôn có những hiệu quả không thể tính toán bằng những con số. Thay đổi cách sống, thay đổi nhận thức, tạo nên niềm tin, tác động đến sự ổn định và lành mạnh xã hội... là những điều không thể nào đong đếm được.

Dự án 5.000 căn nhà xã hội cho người dân nghèo cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng tốt hơn nữa là phải có một kế hoạch phân bổ và ưu tiên rõ ràng cho những đối tượng sẽ được mua nhà. Lợi ích kinh tế là không nhỏ, do đó khả năng phát sinh tiêu cực là rất lớn. Mặt khác, chất lượng của những căn nhà giá thấp là điều cũng rất cần được giám sát, thanh tra chặt chẽ. Có như thế thì “giấc mơ lớn” của người nghèo mới bền vững, ổn định. Rất mong mỏi rằng kế hoạch lớn đó sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.

Hà Văn Thịnh 

;
.
.
.
.
.