Mới đây (ngày 8-4-2009), Huyện ủy Hòa Vang đã có một phiên họp thật đặc biệt: Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn bản kết luận của Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất, nếu cán bộ lãnh đạo yếu kém hoặc thiếu khả năng, phẩm chất sẽ khuyến khích nghỉ hưu sớm hoặc bố trí làm công việc khác thích hợp hơn. Đây là chủ trương mà Đảng ta đã đề ra từ lâu nhưng triển khai như thế nào, áp dụng ra sao cho phù hợp ở từng địa phương là một vấn đề không ít khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là vấn đề tâm lý cán bộ. Không một ai muốn rằng “tự nhiên” khi chưa hết nhiệm kỳ mà mình lại bị bãi chức hoặc nghỉ hưu sớm. Tâm lý nặng nề này ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt hàng ngàn năm nay. Mặc cảm yếu kém trước những cái nhìn của đồng nghiệp làm cho một số cán bộ quyết liệt đến cùng để “bảo vệ cái ghế thực ra không phải dành cho mình”. Đó là một thực tế mà công tác tổ chức cán bộ cần phải nhận thức một cách đầy đủ, rõ ràng. Khó khăn thứ hai là nền văn minh nông nghiệp Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung từ bao đời nay rất ít cần đến tính sáng tạo mà chỉ cần “sống lâu lên lão làng”.
Quả thực, “Tháng Chạp là tháng trồng khoai, tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà” không cần nhiều lắm đến sự đột biến, thay đổi. Tuy nhiên, thời đại đã đổi thay rất nhiều nhưng đa số cán bộ, công chức vẫn giữ nguyên cái nếp cũ của nghĩ suy. Cụm từ “quen việc”, “nhiều kinh nghiệm” là hàng rào được dựng lên để vô thức loại trừ những tài năng trẻ. Tại sao không nghĩ rằng lớp trẻ thời nay nhiều người giỏi và tâm huyết lắm? Khó khăn thứ ba là sự xáo trộn (thậm chí là bất ổn) vì không yên tâm công tác. Nếu làm việc mà luôn nghĩ rằng mình “sắp sửa bị thay ra” thì rõ ràng là không thể làm hết sức mình, nếu không muốn nói là cản trở, kìm hãm tiến độ giải quyết công việc. Do đó, sự chuẩn bị tâm lý, nhận thức đầy đủ, rõ ràng với từng lộ trình là quan trọng vô cùng.
Muốn giải quyết được những khó khăn trên phải tuyên truyền rộng rãi trong xã hội để “mọi người cùng hiểu”, sao cho việc thay đổi cương vị lãnh đạo không làm cá nhân bị tổn thương mà xã hội cũng bớt nặng nề. Mặt khác, sự đãi ngộ về chế độ phải cao hơn chứ không thể là các mức 15 triệu đồng cho cấp trưởng và 10 triệu đồng cho cấp phó nếu nghỉ hưu sớm. Kinh tế, đôi khi chẳng cần “kê để tính” bởi những chi phí tốn kém khi thay thế cán bộ sẽ thu được những nguồn lợi ích vô giá. Hãy thử nghĩ xem cái lợi là những gì? Chắc chắn mọi cán bộ sẽ phải học hỏi nhiều hơn, tu dưỡng tốt hơn.
Động thái của toàn huyện Hòa Vang hay thành phố Đà Nẵng khi thực hiện vấn đề này sẽ là một “cú hích” đầy sức mạnh. Những đột biến sẽ đến, thay đổi trở thành lẽ tất nhiên và, niềm tin của người dân đối với chính quyền là vô giá… Chỉ cần lấy dẫn chứng từ “ngôn ngữ pháo hoa” sẽ rõ. Nền kinh tế toàn cầu suy thoái vậy mà vẫn tổ chức được cuộc thi pháo hoa(!) Không ít ý kiến cho rằng đó là lãng phí. Thế nhưng, người ta quên mất rằng không thể tính hết giá trị, ý nghĩa, hiệu quả từ sự thăng hoa của pháo hoa về chính trị, về du lịch, về cách làm mới, cách hiểu mới, cách chào đón với những “cánh cửa rộng mở, chân thành”…
Câu nói nổi tiếng của Barack Obama “Thay đổi? Vâng. Chúng ta có thể” (Change? Yes. We can) đã được Liên Hợp Quốc chọn làm khẩu hiệu hành động để cứu nền kinh tế thế giới đang bị suy thoái. Cần lưu ý một nguyên tắc: Thay đổi không chấp nhận sự nửa vời bởi dạng thức văn hóa “tình tính tang, tang tính tình” chập chờn, tiến thoái lưỡng nan là nguyên nhân lớn nhất làm cho nền văn minh Việt thức - ngủ không rõ ràng…
TÔ VĨNH HÀ
.
.
Bãi nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ
Thứ Ba, 14/04/2009, 08:41 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.