Dịch cúm lợn vừa bùng phát ở Mexico City hôm 13-4-2009 là một hiểm họa khó lường. Tính đến nay, đã có hơn 103 người tử vong và hàng ngàn người nhiễm bệnh ở cả Mexico và Hoa Kỳ. Virus H1N1 Mexico là một chủng cúm khác lạ:
Nó lây lan từ gia súc sang người và từ người sang người. Sự nguy hiểm của nó là chưa tìm ra thuốc đặc trị và rất dễ lây truyền qua đường hô hấp. Thậm chí, Giám đốc Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc (WHO) Margaret Chan đã nhận định rằng đây là “tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại quốc tế”. Cách diễn đạt đó được coi là cấp độ báo động xấp xỉ với mức cao nhất!
Nước ta có 4 vùng cực kỳ “nhạy cảm” là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh - nơi có cảng biển và cảng hàng không quốc tế với mức độ tiếp xúc với bên ngoài rất cao. Kinh nghiệm về dịch bệnh của loài người hàng trăm năm qua cho biết, lây lan qua đường hô hấp là loại dịch bệnh có sức tàn phá khủng khiếp nhất. Ví dụ, một nửa dân số châu Âu đã bị bệnh dịch hạch tàn sát vào thế kỷ XV là một cảnh báo bi thảm! Chỉ cần một lần người bị nhiễm bệnh ho hay hắt hơi là hàng triệu vi khuẩn đã phát tán trong không khí. Giải pháp tối ưu là phải phát hiện sớm, cách ly ngay bệnh nhân; có như thế mới có thể ngăn chặn được sự lây lan.
Chưa thể ước tính được những tác hại của đợt dịch cúm này sẽ gây ra cho thế giới như thế nào nhưng hậu quả và tổn thất chắc chắn sẽ rất nặng nề. Đó là chưa nói đến chuyện trường học phải đóng cửa, các sinh hoạt công cộng bị đình chỉ và nền kinh tế sẽ bị tê liệt…
Ngay từ bây giờ, ngành y tế thành phố Đà Nẵng phải có giải pháp cấp bách nhằm kiểm tra thân nhiệt tất cả các du khách nước ngoài, nhất là du khách đến từ Trung và Bắc Mỹ. Triệu chứng dễ nhận biết của dòng cúm lạ này là thân nhiệt rất cao. Một quan chức y tế cao cấp của Hoa Kỳ cho biết: “Dịch cúm đang lây lan và không kiểm soát được” (BBC, 26-4-2009). Điều đó có nghĩa là tình hình đã nghiêm trọng hơn thực tế rất nhiều.
Xem trên truyền hình, chúng ta thấy rất rõ là tất cả các nhân viên ở sân bay, cảng biển của châu Âu đều đeo khẩu trang. Đó là nguyên tắc cần thiết với mọi cửa khẩu có quan hệ quốc tế với nhịp độ cao. Đà Nẵng rất cần triển khai nhanh, triệt để tất cả các biện pháp phòng ngừa bởi trên thực tế, khả năng kiểm soát dịch bệnh của ta chắc chắn là kém hơn các nước phát triển rất nhiều. Mặt khác, phải tuyên truyền một cách rộng rãi đến mọi người dân những hiểu biết thông thường về dịch bệnh nguy hiểm. Có như thế mới có thể ngăn ngừa, phát hiện nhanh những triệu chứng nhiễm bệnh.
Trong quá khứ, ít nhất là đã ba lần (thế kỷ XII, XV và đầu thế kỷ XX), dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại nhiều hơn cả chiến tranh! Chính vì thế, sự cảnh giác cao độ và các biện pháp phòng ngừa chu đáo là điều nhất thiết phải làm. Chủ quan, lơ là đồng nghĩa với tai họa. Đây là nhiệm vụ của toàn xã hội mà trước hết, là của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.
T.V.H