Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng biên độ giao dịch tỷ giá VNĐ/USD lên +/-5%, thị trường ngay lập tức có phản ứng, tỷ giá tự do có lúc vọt lên gần 18.000 đồng, tuy nhiên sau hơn 1 tuần đã quay về trạng thái tương đối bình ổn. Động thái tăng biên độ này xem ra không có gì bất ngờ đối với các ngân hàng và doanh nghiệp, bởi vì trên thực tế “Lộ trình điều chỉnh” đã được xác định nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu và góp phần ổn định các cân đối vĩ mô, nhất là cung - cầu ngoại tệ.
Vấn đề quan trọng nhất chính là sự chín muồi của tình hình thực tiễn, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang bị đe dọa nặng nề bởi tình trạng suy giảm kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình thế ngừng sản xuất, kể cả phá sản, buộc phải sa thải hàng loạt công nhân... Một diễn biến khác cần lưu ý, mặc dù phải đối đầu với rất nhiều khó khăn về thị trường, nhưng xuất khẩu vẫn tăng 2,4% trong quý 1-2009, trong khi nhập khẩu giảm mạnh 45% so cùng kỳ, dẫn đến xuất siêu liên tục trong ba tháng liền.
“Hiện tượng lạ” này khiến dư luận phân vân và cho rằng nên lo hơn là mừng vì cơ cấu hàng xuất của ta vẫn chưa có cải thiện lớn, xuất siêu là do hàng nhập giảm mạnh cả về lượng và giá? Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần đón nhận tín hiệu xuất siêu tựa như “Mồi lửa nhỏ thổi bùng lên đám cháy lớn”, cần tận dụng cơ hội này để khởi động cuộc cải cách lớn trong tư duy điều hành xuất nhập khẩu, kể cả về phương diện quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Với một nền kinh tế định hướng mạnh về xuất khẩu như Việt Nam, xuất siêu không chỉ là niềm mơ ước mà còn là mục tiêu có tầm quan trọng chiến lược, trong bối cảnh đó việc xử lý bài toán tỷ giá ngoại tệ trở nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong nhiều năm qua, nhập siêu ngày càng lớn và trở thành vấn đề rất khó hóa giải của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Nhìn lại cơ cấu xuất nhập khẩu theo vùng lãnh thổ, những đối tác lớn mà Việt Nam thường xuất siêu đó là EU, Mỹ và Nhật Bản, trong khi nhập siêu lớn luôn diễn ra với ASEAN, Đài Loan, Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, ngoài nhập chính ngạch còn có một bộ phận đáng kể là tiểu ngạch. Với vị thế của một đất nước đang phát triển, cần nhiều nguồn vốn lớn từ nước ngoài để hỗ trợ đầu tư, nhưng như thế không có nghĩa là Việt Nam phải nhập khẩu đến mức “vô tội vạ” nhiều vật dụng không cần thiết.
Thực tế này diễn ra từ lâu nhưng hầu như chưa có giải pháp gì căn cơ để khắc phục, đất nước và con người Việt Nam vẫn được xem như là một trong những địa chỉ “sính ngoại” vào diện hàng đầu thế giới? Liệu chúng ta có nên tự hào về “danh hiệu” này hay cần phải day dứt về nội lực của chính mình?
Điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là giải pháp thực sự có hiệu quả, không chỉ tiếp sức thêm độ linh hoạt cho thị trường ngoại tệ mà còn tác động tích cực vào cục diện xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Thiết nghĩ, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp cần ủng hộ chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có những hành động thiết thực nhằm đưa mặt bằng tỷ giá đồng Việt Nam đi dần vào thế ổn định để phát triển.
Hệ thống ngân hàng thương mại cần vươn lên trở thành lực lượng chủ đạo, làm chủ cung - cầu ngoại tệ, không cho phép một bộ phận nhỏ thuộc “thị trường chợ đen” làm giá và thao túng thị trường. Đặc biệt nghiêm cấm mọi hành vi thủ thuật biến tướng làm đội tỷ giá lên một cách vô lối nhằm khai thác lợi nhuận cục bộ. Trong hoàn cảnh hiện nay, khẩu hiệu có ý nghĩa nhất không chỉ là “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà còn là “Người Việt Nam yêu đồng tiền Việt Nam”.
TÂM DÂN
.
.
Cặp bài trùng: Xuất siêu và tỷ giá
Thứ Năm, 02/04/2009, 08:03 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.