Có một chức vụ vừa được bổ nhiệm đã làm xúc động trái tim của 86 triệu con người: UBND thành phố Đà Nẵng vừa chính thức bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (25-4-2009). Tiếp đó, ông Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa cho biết, kể từ năm học 2009-2010, lịch sử Hoàng Sa sẽ được giảng dạy trong chương trình chính khóa của các cấp học ở Đà Nẵng!
Trả lời phỏng vấn, tân Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cho biết: “Việc giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân và thế hệ trẻ về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và của mỗi người dân chứ không chỉ là trách nhiệm của riêng UBND huyện đảo Hoàng Sa.
Về phần mình, chúng tôi sẽ có các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân, trước hết là nhân dân Đà Nẵng, và thế hệ trẻ hiểu biết thêm về Hoàng Sa, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam, của thành phố Đà Nẵng”! Ý nghĩa của sự kiện trên có tiếng vang lớn trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ 2 giờ 01 phút (giờ GMT), ngày 24-4-2009, BBC đã có bài viết về việc bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch Hoàng Sa(!). Đây cũng là lần đầu tiên Đà Nẵng cùng một số địa phương khác tiến hành bổ nhiệm trực tiếp cấp chủ tịch quận, huyện; do đó, ảnh hưởng của vấn đề càng đặc biệt quan trọng hơn.
Đặc biệt, với việc đưa lịch sử Hoàng Sa vào chương trình giảng dạy chính khóa, một lần nữa, Đà Nẵng lại đi đầu cả nước trong cách nghĩ, cách đặt và giải quyết vấn đề. Chúng ta bỗng giật mình vì tại sao đến bây giờ con cháu mình chưa hề được học, được hiểu về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa một cách
rõ ràng...?
Những tài liệu cổ nhất về Hoàng Sa đã chỉ ra một cách đích xác rằng, vua Gia Long đã chính thức xác lập chủ quyền trên quần đảo này vào năm 1816. Trong bài “Ghi chú thêm về địa lý Xứ Đàng Trong” của Giám mục Jean Louis Taberd (1794-1840), đăng trong “Tập san Hội Châu Á của xứ Bengal”, tháng 4-1838, trang 317 viết: “Pracel hoặc Paracels là Cồn Vàng (tức Hoàng Sa). Tuy rằng quần đảo này không có gì ngoài những tảng đá và những cồn lớn hứa hẹn nhiều điều bất tiện hơn là lợi ích nhưng vua Gia Long đã nghĩ đến việc mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm mảnh đất buồn tẻ này.
Năm 1816, nhà vua đã tới cắm cờ (có thể là nhân danh nhà vua cắm cờ) một cách long trọng và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này, nơi hình như không một ai tranh giành với nhà vua” (chúng tôi nhấn mạnh – HVT). Cùng với ghi chép của Taberd, tư liệu của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1832) và Gutzlaff, Dubois de Jaucigny đăng trong những năm 1849 – 1850 ở Paris và London đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa (Nguyễn Quang Trung Tiến, Báo Đà Nẵng, 11-4-2009).
Theo ông Nguyễn Quang Trung Tiến, chính Taberd là người đã bị vua Minh Mạng ra lệnh truy sát (vì cấm đạo), nhưng vẫn viết như thế, chứng tỏ nguồn thông tin mà ông cung cấp, đáng tin cậy đến mức nào!
Về mặt nguyên tắc của pháp luật quốc tế, chủ quyền (sovereignty) của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được xác định sớm hơn bất kỳ quốc gia nào, ít nhất là hơn 90 năm. Chúng ta phải dạy và để cho con cháu bây giờ học - hiểu điều đó. Dù muộn còn hơn không là một trong những bài học nhiều ngậm ngùi mà các thế hệ cha anh đã buộc thế hệ trẻ chậm hiểu sự thực về đất thiêng của tiên tổ, giống nòi. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chỉ có Đà Nẵng dạy cho học sinh học, còn học sinh cả nước thì chưa? Tại sao Bộ GD-ĐT lại chậm trễ đến như thế trong cách giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc? Bảo vệ - dù chỉ một tấc đất mà cha ông đã giành được là nghĩa vụ thiêng liêng và vinh quang nhất của hậu thế. Bởi đó là truyền thống, là cội nguồn làm nên sức mạnh Việt Nam! Lòng yêu nước có thể khó cụ thể hóa nhưng gieo mầm, ươm hạt để cho tình yêu ấy nảy nở thành sức mạnh, phát huy thành hiệu quả thực tế là trách nhiệm của giáo dục, của “người lớn”.
Chúng ta cứ giáo dục con người bằng những viễn cảnh, lý tưởng xa xôi; trong khi đó lại quên mất rằng đã là con người, ai cũng phải bắt đầu bước đi trên đường đời bằng đôi chân của chính mình!
Tìm hiểu biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam là một cuộc thi thiết thực, nhiều ý nghĩa. Nhưng, phải biến ý thức đó, tình cảm đó thành tiếng gọi của trái tim, ngôn ngữ của hành động thì mới đúng với giá trị của nó. Phải dạy và học về lịch sử Hoàng Sa nói riêng, 3.000 hòn đảo của Việt Nam nói chung, sao cho, tất cả những “không xa đâu Trường Sa ơi” ấy trở thành máu, thịt của con người Việt Nam, thì mới có thể phát triển thành sức mạnh để độc lập, trường tồn!
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Chủ quyền và hiểu biết
Thứ Hai, 27/04/2009, 08:30 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.