.

Dạy nghề theo đơn đặt hàng

Lần đầu tiên Đà Nẵng đã mở lớp dạy nghề theo đơn đặt hàng, vừa khai giảng vào chiều 17- 4 tại Trường Trung cấp nghề công nghiệp tàu thủy III. Theo đó, lớp học có 140 học sinh trong tổng số 525 học sinh được ký kết đào tạo những ngành nghề như hàn vỏ tàu thủy, chế tạo vỏ tàu, máy và điện tàu thủy...

Ai cũng biết hai vấn nạn lớn nhất của đào tạo hiện nay là nghề do nhiều trường đào tạo ra... không đúng ngành nghề (!) và học xong, xin được việc là cả muôn nỗi gian truân. Sự bất cập đó của xã hội lâu nay là cái gánh rất nặng của lãng phí, tốn kém, thất nghiệp, bất ổn... Học mà không biết “sau này đi về đâu” là điều nguy hại nhất đối với mọi quy trình đào tạo. Mặt khác, tình trạng trên sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy tiêu cực khi tìm kiếm việc làm.

Đà Nẵng đã trở thành một trong hai địa phương đi đầu (cùng với Cần Thơ) trong nỗ lực hạn chế để tiến tới xóa bỏ những điều bất cập đó. Làm được như thế là điều không dễ dàng bởi liên kết, “đặt hàng” dầu sao cũng là điều còn mới mẻ ở nước ta. Hệ quả lớn nhất của chương trình trên là ở chỗ học sinh sẽ yên tâm học nghề và phải nỗ lực để học cho thành nghề. Cha ông xưa từng nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” - hãy làm giỏi một nghề, có thể chưa giàu nhưng nhất định sẽ xóa được nghèo nàn, cơ cực. Mục tiêu học tập đã có với định hướng rõ ràng, mức lương đã được thông báo; có nghĩa là chỉ còn lo một chuyện học nghề mà thôi.

Tuần trước, Thời báo Los Angeles phàn nàn rằng khi Intel vào Việt Nam, họ kỳ vọng rất nhiều, nhưng mới đây đã bắt đầu thất vọng bởi  không  tìm  được  công  nhân có tay nghề như mong đợi (BBC, 14-4-2009). Đây là một cảnh báo thật sự đối với toàn bộ chương trình đào tạo nghề của nước ta. Nặng về lý thuyết và phi thực tế là căn bệnh lâu đời của nền giáo dục Việt Nam. Đào tạo vượt cầu, đào tạo không đúng với thực tế của nhu cầu, đào tạo kém chất lượng..., tất cả đều dẫn đến rất nhiều những hệ lụy đáng buồn. Không ít nhà giáo dục đã trăn trở để tìm lối đi, hướng đi nhằm thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó nhưng đến nay, về cơ bản vẫn là sự lúng túng như gà mắc tóc hoặc tệ hơn, sự sa lầy về triết lý đào tạo.

Một tin rất vui nữa cho con em các gia đình chính sách có công với nước là chương trình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng trên được ưu tiên cho các đối tượng đó. Như vậy, vừa giải quyết được đòi hỏi về kinh tế, kỹ thuật vừa là sự đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu xã hội - nhất cử lưỡng tiện là một trong những điều đáng kể nhất của sự vận hành thành công, hiệu quả.

Tất nhiên, chúng ta thấy rằng với 140 học sinh, đó vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn. Giải quyết việc làm cho hàng vạn thanh niên là một yêu cầu cấp bách. Rất hy vọng rằng, từ mô hình ban đầu này, Đà Nẵng sẽ mạnh dạn và mở rộng hơn nữa việc đào tạo có định hướng. Làm được điều này, sự ổn định, bền vững của phát triển là lẽ đương nhiên.                        

TÔ VĨNH HÀ

;
.
.
.
.
.