Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, loài người bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của khoa học và công nghệ (KHCN). Chính từ đó, nhờ có KHCN mà nền văn minh nhân loại đã có những thay đổi mạnh mẽ; và, một thời đại hoàn toàn mới đã bắt đầu…
Nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã phát triển muộn hơn thế giới hàng chục năm do chiến tranh, do những lúng túng của thời bao cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã khẳng định việc phải phát triển nền kinh tế tri thức – hay nói khác hơn, phải đưa KHCN trở thành động lực, mũi nhọn để xây dựng và phát triển kinh tế.
Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, Đà Nẵng cũng đã chuyển mình rất thiết thực trong cách ứng dụng – ưu tiên cho KHCN phát triển. Những thành công bước đầu đã đến: Quy hoạch đô thị hiện đại; Trung tâm hành chính “thông minh”; tạo điều kiện cho Đại học Đà Nẵng phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô… Tất cả những thành công đó đã tạo đà để Đà Nẵng đẩy mạnh hơn nữa con đường khoa học công nghệ hóa.
Biểu hiện rõ nhất là ngày 27-3-2009 mới đây, Diễn đàn Đầu tư Khu Công nghiệp công nghệ cao đã được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham gia của 300 đại biểu. Mô hình của một đô thị KHCN theo hình mẫu của Kiyohara Industrial (Nhật Bản) đã được xác định.Tất nhiên, để trở thành một thành phố đầu tàu của miền Trung và tương lai, của cả nước (tại sao không?) về KHCN, Đà Nẵng phải có những điều kiện cần và đủ.
Thứ nhất, đề án đầu tư để đào tạo 100 TS, ThS sắp tới mà theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết là chưa đủ. Để “khoa học trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp” như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh tại Diễn đàn trên, thì con số đó vẫn còn rất mỏng.
Thứ hai, việc Đại học Đà Nẵng đã có khả năng “xuất khẩu” cả kỹ sư sang Nhật Bản là một tín hiệu đáng mừng, nhưng cần phải ưu tiên hơn nữa trong việc xúc tiến đề án Đại học Quốc tế mà Chính phủ đã cho phép.
Thứ ba, phải có chính sách chiêu hiền, đãi sĩ quy mô hơn, trọng điểm hơn - kể cả việc thu hút tài năng từ kiều bào ta ở nước ngoài.
Thứ tư, phải quy hoạch đúng và đủ về nhu cầu “chất xám” cho một thành phố 1 triệu dân năm 2020 cũng như những lĩnh vực tiên phong (thế mạnh) của Đà Nẵng so với các trung tâm KHCN khác trên cả nước.
Thứ năm, KHCN không thể chỉ là sự phát triển tự mình, nội lực, độc lập mà cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn, cao hơn với các trung tâm khoa học khác ở trong nước cũng như trên thế giới. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy rằng, sự hợp tác quốc tế luôn đem lại lợi ích, khác biệt toàn diện và sâu sắc cho sự phát triển nhanh, vững chắc.
Có thể khẳng định rằng sức mạnh của KHCN là nhân tố quan trọng nhất, nhân tố phải đi đầu, phải là động lực thực sự của sự phát triển. Đó vừa là lời giải đúng của sự tăng tốc, đồng thời là con đường rộng mở cho Đà Nẵng vươn cao, xứng đáng với tầm vóc của một thành phố mà trong nhiều năm qua, luôn luôn là thành phố của những ý tưởng mới, đột phá mới.
HÀ VĂN THỊNH
.
.
Đột phá bằng khoa học - công nghệ
Thứ Sáu, 10/04/2009, 08:54 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.