.

Gói kích cầu cho nông nghiệp, nông thôn

Tiếp theo hai gói hỗ trợ lãi suất đối với tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn đã và đang phát huy tác dụng tốt đối với hệ thống doanh nghiệp, Chính phủ vừa ban hành tiếp gói hỗ trợ lãi suất thứ ba dành cho khu vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn.
 
Phạm vi gói hỗ trợ đợt này tương đối rộng, với mức hỗ trợ cao hơn, không những tác động tích cực đến người trực tiếp sản xuất mà còn thúc đẩy một số lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, góp phần nâng cao mức sống tinh thần và vật chất cho người dân. Đây thực sự là tín hiệu đáng phấn khởi, có tác dụng khích lệ lớn lao đối với bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề truyền thống... trong bối cảnh phải đương đầu với hàng loạt khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu gây ra.

Gói kích cầu trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn tựa như một mũi tên đạt đến hai đích. Một mặt góp phần hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị nông cụ, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tiêu dùng, mặt khác gắn với mở rộng thị trường và khuyến khích tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.
 
Theo danh mục hàng hóa quy định tại Quyết định số 497-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn” bao gồm các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Trước làn sóng hàng nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan... đang đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp của ta dường như chưa thể hiện được mình, tỏ ra không cân sức trên thị trường nội địa, thì lúc này chính là cơ hội để các nhà sản xuất- kinh doanh tận dụng phát huy triệt để, gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo thêm công ăn việc làm, vươn lên liên kết lại nhằm mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực nông thôn, nơi địa bàn rộng lớn còn rất tiềm năng nhưng nhiều năm qua gần như bị bỏ trống trận địa.

Để gói kích cầu có quy mô lớn đợt này đi vào cuộc sống đòi hỏi ngay từ bây giờ phải có chương trình, giải pháp phối hợp đồng bộ và cụ thể. Các cấp chính quyền xã, phường, hội đoàn thể nơi địa bàn nông nghiệp-nông thôn có vai trò quyết định trong việc chuyển tải thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách kích cầu đến người dân. Hệ thống ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp với mạng lưới rộng, đóng vai trò chủ lực, sẽ là địa chỉ gần gũi và tin cậy để người nông dân tiếp cận vay vốn, tuy nhiên, qua đó cũng đặt ra không ít khó khăn trong quá trình phục vụ bởi vì mật độ dân cư và sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, đa ngành nghề, địa bàn rộng và phức tạp...
 
Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với ngân hàng để làm tốt khâu điều tra khảo sát ban đầu, xác nhận và lựa chọn đúng đối tượng cấp tín dụng, tránh tình trạng vay trùng lắp từ nhiều kênh tín dụng khác nhau để đảo nợ hoặc sử dụng vốn sai mục đích.  Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng xem đây là nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại nhằm tranh thủ bằng mọi cách. Cần sớm chỉ đạo hình thành mô hình liên kết 4 nhà “Chính quyền, đoàn thể - Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa - Người sản suất - Ngân hàng”, thiết lập các Tổ vay vốn, tổ chức tập huấn quy trình xây dựng và điều hành dự án nhỏ...

Thông qua đó, bảo đảm giải ngân đúng đối tượng, quản lý có hiệu quả dòng luân chuyển vốn, nhanh chóng phát huy tác dụng của nguồn lực kích cầu. Các ban, ngành thành phố cũng cần nhanh chóng vào cuộc, quản lý tốt thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển nhanh các kênh tiêu thụ hàng hóa đến tận vùng xa, vùng ngoại thành, phối hợp các kênh hỗ trợ tài chính khác nhau của Trung ương và địa phương, tạo ra sức mạnh tổng lực nhằm hợp sức chống suy giảm kinh tế, tạo đà khôi phục tốc độ tăng trưởng ổn định cho kinh tế địa phương ngay trong năm 2009.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.