Thành phố Đà Nẵng vừa xây dựng dự án Mô hình phục hồi chức năng toàn diện và hỗ trợ kinh tế-xã hội nhằm cải thiện cuộc sống của người tàn tật (NTT) thành phố. Mục tiêu của dự án là trong 3 năm từ 2009-2011, sẽ xây dựng một mô hình phục hồi chức năng bền vững; cải thiện chất lượng cuộc sống, hòa nhập xã hội của NTT và gia đình thông qua việc tiếp cận các dịch vụ; nâng cao năng lực và nguồn lực của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ tại địa phương. Khoảng 1.459 NTT được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này.
Có nhiều lý do để kỳ vọng vào sự thành công của dự án nhằm hỗ trợ NTT tại Đà Nẵng. Song, cũng có nhiều lý do để lo lắng về khả năng hiện thực hóa các kế hoạch trên giấy. Kỳ vọng vì Đà Nẵng là 1 trong 32 tỉnh, thành của cả nước đã xây dựng kế hoạch trợ giúp NTT; là 1 trong 30 tỉnh, thành có khảo sát thống kê về NTT; là 1 trong số rất ít địa phương trên cả nước thành lập Quỹ việc làm cho NTT. Theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội và các tổ chức quốc tế, Đà Nẵng đã cho thấy sự nỗ lực trong việc chăm lo cho NTT.
Lo lắng vì, số NTT trên cả nước nói chung, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng, thực sự được cải thiện đời sống còn rất ít so với yêu cầu, dù đã tốn không ít các đề án, giấy mực để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Nhìn lại toàn bộ quá trình thực hiện Đề án 239 trợ giúp NTT của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2006-2010, có thể thấy, dù đã đi sắp hết chặng đường, nhưng nhiều chỉ tiêu của đề án vẫn chỉ là con số nằm trên văn bản. Kết quả đạt được hiện rất khiêm tốn.
Mới đây, trong một hội thảo về NTT diễn ra tại Đà Nẵng (ngày 22-4), bà Nguyễn Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, đến nay, mới chỉ có những cuộc khảo sát mang tính nhỏ lẻ về NTT, chưa có khảo sát tổng thể liên quan đến NTT. Hơn thế, những nơi có khảo sát cũng bộc lộ sự sai số rất lớn giữa báo cáo của địa phương với báo cáo của cả nước và của Tổng cục Thống kê. Hầu hết, cả 9 chỉ tiêu của đề án đều chưa đạt.
Bà Lan dẫn chứng, đến năm 2010, sẽ có 70% trẻ em tàn tật được học tập dưới mọi hình thức. Nhưng chỉ còn một năm nữa, vẫn mới có 25-30% trẻ em tàn tật được học tập. Dù không đi mà chạy, cũng không thể hoàn thành được chỉ tiêu này. Bên cạnh giáo dục, lĩnh vực y tế, dạy nghề, v.v… cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Khó khăn nằm ở chỗ, nhiều nơi, nhiều ban, ngành, hội đoàn thể còn coi NTT là đối tượng nhận từ thiện. Tức cho họ - NTT được cái gì thì tốt cái nấy, và chủ yếu làm các công tác như trợ cấp mà chưa thực sự tạo nên sự bình đẳng giữa NTT với người không tàn tật thông qua việc cải thiện điều kiện sống; trong đó, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và thụ hưởng dịch vụ. Nếu lắp cho một cô gái bị cụt chân một chiếc chân giả, tạo lối đi phù hợp trong sân trường, hằng tháng cho cô một số tiền thì chưa đủ. Lề đường, vỉa hè, phương tiện giao thông, các chính sách… phải điều chỉnh đồng bộ để cô gái không chỉ thoải mái đi học mà còn đi làm, đi chơi.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nếu đầu tư 1 USD vào đào tạo nghề cho 1 NTT, họ sẽ đóng góp lại cho xã hội 15 USD. Một thanh niên khuyết tật từng tâm sự rằng: Nếu có điều kiện tuyển dụng lao động, đối tượng đầu tiên anh nghĩ đến là NTT. Bởi theo anh, chính họ là những lao động làm việc một cách hăng say nhất, tập trung nhất. Trong NTT luôn cháy bỏng quyết tâm thể hiện năng lực và chứng minh khả năng tự lập.
Nói như ông Howard R.Handler, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam: Không nhìn NTT là đối tượng nhận từ thiện mà phải nhìn họ dưới góc độ một công dân như bao công dân khác. Từ đó, sự phân biệt mới được xóa đi. Ông cũng nhấn mạnh, chỉ khi nào các dịch vụ dành cho NTT được luật hóa, lúc ấy, NTT mới có cơ hội thụ hưởng dịch vụ một cách bình đẳng.
Nhắc lại lời ông Howard R.Handler để thấy rằng, những dự án về NTT nói chung, dự án hỗ trợ NTT của thành phố Đà Nẵng nói riêng, chỉ thực sự đạt được giá trị thực tiễn, khi những người có trách nhiệm, cụ thể là các ban, ngành, đoàn thể liên quan nhìn NTT là những công - dân - không - khiếm - khuyết để xứng đáng có được cuộc sống với đầy đủ các tiện ích.
T. H
.
.
Họ không phải là đối tượng nhận từ thiện
Thứ Sáu, 24/04/2009, 07:58 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.