.

Hướng về Đất Tổ

Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba, là câu ca dao đã đi vào tâm khảm, máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Đó không chỉ là đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là Quốc Lễ, một “mệnh lệnh” tha thiết của trái tim, để “Giữ muôn đời Hồng lạc tinh hoa”, đúng như lời thề mà Chủ Lễ - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh đã trang trọng tuyên thề trong ngày Quốc Lễ (4-4-2009).

Hướng về Đất Tổ, hướng đến Mẫu Tổ Âu Cơ, Quốc Tổ Lạc Long Quân năm nay, người dân cả nước và hàng triệu người Việt đang sống ở nước ngoài đã được tận hưởng không khí đầm ấm, trang trọng, linh thiêng của Hồn Việt rực sáng. Có thể khẳng định rằng Ngày Giỗ Tổ là biểu tượng đoàn kết - thống nhất quan trọng nhất của toàn dân tộc. Đại biểu của cả nước, của kiều bào về Đất Tổ từ 19 nước cùng những nghi lễ được tổ chức trọng thể khắp nơi đã chứng minh rằng sự đồng tâm, hiệp ý của sức mạnh dân tộc thật mạnh mẽ, tự hào.

Ngày Giỗ Tổ là dịp để chúng ta nhìn lại mình để “báo công, khai tội” với tổ tiên. Thành công lớn nhất mà Việt Nam ngày nay đạt được chính là lần đầu tiên trong lịch sử, đất nước ta sắp vượt qua ngưỡng của nghèo nàn bất chấp sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Chúng ta cũng có quyền tự hào rằng giang sơn gấm vóc mà Mẫu Tổ, Quốc Tổ dựng lên vẫn đã và nhất định sẽ được bảo vệ vẹn toàn. Có không ít thế lực bên ngoài đang rình rập chờ cơ hội để cưỡng đoạt một phần biển trời của Tổ quốc. Thế nhưng, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, dẫu “tảng đá khổng lồ” về địa - chiến lược có nặng và giàu lòng tham đến mấy cũng không thể khuất phục nổi dân tộc Việt Nam như hàng ngàn năm nay Việt Nam vẫn thế.

Câu chuyện về truyền thuyết đẻ trăm trứng, trăm con là một trong những huyền thoại hay nhất về cách khai nguồn, mở lối của một dân tộc. Con số 100 nói lên sự vẹn toàn của “bách tính” đồng thời cũng nói lên rằng sự hòa hợp giữa nhiều dân tộc anh em để làm nên hai tiếng Việt Nam là một tất yếu lịch sử. Đặc biệt từ hàng ngàn năm trước, dân tộc ta đã “lên rừng, xuống biển” - thể hiện sự phong phú của đời sống, phương thức sống cũng như muốn ngầm định rằng biển trời của đất nước đã được ông cha ta khai phá từ ngàn xưa mà không một dụng ý bất minh nào có thể thay đổi.

“Lên rừng, xuống biển” còn hàm nghĩa rằng dân tộc Việt hình thành từ sự di chuyển - dám thay đổi, biết thay đổi và thích nghi tốt nhất với mọi hoàn cảnh sống dẫu khó khăn, thử thách ngặt nghèo. Các bậc Quốc Tổ đã tiên định như thế, chúng ta cần noi gương để thay đổi nhanh hơn, phát triển mạnh mẽ hơn.
Hòa chung với không khí lễ hội của cả nước, năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng tổ chức giỗ Tổ thật trang nghiêm. Điển hình là lễ dâng hương, báo công với tổ tiên ở đình làng Trung Nghĩa, Hòa Minh, Liên Chiểu và lễ tế ở thôn Hòa An, phường Hòa An, Cẩm Lệ... Thành phố Đà Nẵng mới được thành lập từ 120 năm nay (1889-2009) nhưng ngôi đình làng có đến 300 năm tuổi và lễ dâng hương tiên tổ có từ rất lâu là một hình ảnh thật nhiều ý nghĩa.

hớ về cội nguồn, biết ơn tiên tổ, mỗi người Việt hãy tự hứa với mình rằng phải cố gắng nhiều hơn nữa sao cho xứng với giống nòi con Lạc, cháu Hồng. “Các vua Hùng đã có công dựng nước”, chúng ta phải quyết tâm giữ nước và, hơn thế nữa, phấn đấu để làm cho Việt Nam trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai được với các cường quốc 5 châu.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.