Thời gian gần đây, lãi suất huy động vốn VNĐ có xu hướng biến động mạnh. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng bình quân từ 7,5% - 8%/năm được một số ngân hàng đẩy lên 8,5% - 9%/năm và 9,5%/năm cho kỳ hạn 24/36 tháng. Trong khi trần lãi suất cho vay vẫn tiếp tục bị khống chế tối đa 10,5%, đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu không thay đổi lãi suất cơ bản, chỉ nới lỏng tiền tệ thông qua giảm một số lãi suất chủ chốt như tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng...
Lãi suất huy động tăng chứng tỏ cung cầu vốn tiền đồng đang có dấu hiệu căng thẳng hơn trước, một phần là do tác động từ chủ trương hỗ trợ lãi suất, đang khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng nhu cầu vay vốn, phần khác là do một số ngân hàng điều chỉnh cấp tín dụng sang kênh cho vay tiêu dùng đời sống với lãi suất thỏa thuận, kể cả một bộ phận không nhỏ đang hướng vào thị trường chứng khoán đang có tín hiệu hồi phục...
Hiện nay, áp lực về gánh nặng lãi suất cao đối với hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp thực sự không còn gay gắt như năm 2008. Bên cạnh đó, nhờ chủ trương hỗ trợ lãi suất đang đi dần vào cuộc sống, lãi suất thực cho vay đối với nền kinh tế đã giảm xuống đến mức khá hấp dẫn. Điều quan trọng hơn, mức lãi suất thấp này về cơ bản đã định hướng đúng dòng chảy của vốn, tác động trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất của cải vật chất, chủ động tham gia vào luân chuyển vốn sản xuất kinh doanh ở các nhà máy, xí nghiệp, công trường, ruộng đồng..., từ đó góp phần tích cực vào tiến trình chống suy giảm kinh tế, ổn định công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Về nguyên tắc, mọi bài toán lãi suất cần phải hóa giải được mâu thuẫn cơ bản giữa yêu cầu duy trì và tạo lập được nguồn vốn ổn định vững chắc nhưng đồng thời phải tác động tích cực đến quá trình tăng trưởng. Bài học nhãn tiền từ khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cho thấy “Bộ ba lý thuyết: Lãi suất thấp - Tự do hóa thị trường - Sản phẩm tài chính phái sinh” vốn dĩ được tôn sùng qua nhiều thập kỷ trong giới ngân hàng Mỹ nay gần như đã bị sụp đổ và cần phải tái cấu trúc lại.
Chính vì vậy, lãi suất cao hay thấp chưa hẳn là yếu tố quan trọng nhất mà điều quyết định chính là kiểm soát được chất lượng sử dụng vốn cũng như hiệu quả sinh lời thực sự của đồng vốn, hạn chế đến mức thấp nhất những đam mê không cưỡng lại được từ sức hút của những lợi nhuận ảo mang lại từ các luồng vốn ảo và các khoản đầu cơ bong bóng. Nếu xét theo tư duy này thì chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với chính sách lãi suất cơ bản hiện hành.
Một nhân tố quan trọng khác tác động đến quan hệ cung - cầu vốn, đó là có lẽ chưa khi nào đồng Việt Nam lại có vị thế tốt như thời điểm bây giờ, bởi lẽ hầu hết nhu cầu tín dụng hiện nay đều nghiêng về lựa chọn vay vốn nội tệ, người vay vừa được hưởng lợi từ chủ trương kích cầu, vừa tránh được rủi ro do tỷ giá tăng. Nhìn lại thực tế của nhiều năm qua, những nhà hoạch định chính sách đã tốn rất nhiều thời gian và công sức nhằm kiềm chế tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế, tuy nhiên kết quả hầu như chưa được như mong muốn.
Trong khi đó, chỉ cần vận dụng đúng đắn cơ chế lãi suất, vừa tạo sức hấp dẫn vừa phải đối với người gửi tiền, vừa kích thích lợi ích đối với người đi vay, thì có thể giải đáp được phần lớn bài toán hóc búa này, qua đó mang lại thế chủ động cho việc điều hành chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, đứng trước những biến động bất thường của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh xu thế suy giảm vẫn chưa chấm dứt, các kịch bản về điều hành lãi suất trong thời gian đến chắc chắn phải đối đầu với những ẩn số hết sức phức tạp. Mặc dù vậy, vẫn có thể khẳng định cơ chế hiện tại về cơ bản là đúng đắn, là tiền đề thuận lợi để tiếp tục kiên định với chính sách và lộ trình đã vạch ra.
TÂM DÂN
.
.
Kịch bản nào cho lãi suất?
Thứ Sáu, 17/04/2009, 07:37 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.