.

Nhân quyền là ổn định và phát triển

Ngày 8-5-2009, tại Genève, Thụy Sĩ, Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo Kiểm định định kỳ phổ cập (Universal Periodic Review - UPR) về Nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đây là lần đầu tiên UPR Việt Nam được trình bày theo cơ chế này. Do vậy, những khó khăn và thách thức để đạt được sự ủng hộ và đồng thuận của 191 thành viên LHQ là điều không dễ dàng (LHQ có 192 thành viên).

Trước hết, chúng ta phải biết rõ rằng một vài quốc gia thiếu thân thiện hoặc là mâu thuẫn tiềm tàng với Việt Nam, cùng với các lực lượng chống đối sẽ nhân cơ hội này để tìm cách bôi xấu hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Chuẩn bị đủ các chứng cứ phản biện, dự kiến đủ các câu hỏi có tính khiêu khích - kể cả những tình huống khó nhất, là nguyên tắc để làm sáng rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Chắc chắn rằng có 3 câu hỏi thuộc diện nhạy cảm nhất sẽ được đặt ra. Thứ nhất, đó là câu hỏi liên quan đến vấn đề sắc tộc và tự do tôn giáo.

Dù các thế lực thù địch có vin dẫn thế nào đi nữa, thì một sự thực không thể chối cãi là suốt 64 năm qua, Việt Nam chưa hề có chiến tranh hay xung đột về tôn giáo, sắc tộc. Đó là một bằng chứng đầy tính thuyết phục. Những bất đồng với chính quyền là điều ở nhà nước nào cũng có và sự một nhóm người bị kẻ xấu lợi dụng để khiêu khích, quấy rối là chuyện rất bình thường. Duy trì được sự ổn đình để tam giáo đồng hành, 54 dân tộc đồng tâm là điều không phải chế độ nào cũng làm được. Thứ hai, câu hỏi về tự do dân chủ là câu hỏi sẽ được đề cập nhiều.

Cách quan niệm về dân chủ của mỗi xã hội khác nhau là lẽ đương nhiên. Chẳng hạn, EU sẽ nói nhiều đến “dân chủ nhân quyền” (democracy of human rights), Nga sẽ bàn về “nền dân chủ được hướng dẫn” (The guided democracy)… Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng hoàn cảnh Việt Nam là hoàn toàn khác với các nước đó.
 
Hơn 80 năm nô lệ,30 năm chiến tranh tàn khốc đã làm cho nhận thức về dân chủ của đại đa số người dân khó đạt đến cách quan niệm như của nền văn minh phương Tây. Mặt khác, với những di ấn từ quá khứ không thể một sớm một chiều xóa bỏ được thì một khi nền dân chủ bị kẻ xấu lạm dụng thì tác hại sẽ khôn lường. Hơn nữa, ngay cả nước có trình độ dân chủ cao như Hoa Kỳ thì mãi đến năm 1920 mới cho phép phụ nữ đi bầu cử - tức là sau khi có nhà nước 131 năm! Thứ ba, vấn đề sự bất cập của luật pháp nước ta, độ chênh giữa luật pháp của ta với luật pháp quốc tế sẽ là loại câu hỏi được quan tâm.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận trước quốc tế rằng đó là một tồn tại lớn. Các nguyên nhân có từ nhiều phía như mới gia nhập kinh tế thị trường, độ chênh về hiểu biết luật pháp của cán bộ cũng như người dân là hàng chục cấp độ khác nhau, đội ngũ soạn thảo luật pháp cũng như khả năng lập pháp của Việt Nam chưa đủ để đáp ứng những yêu cầu lớn và đòi hỏi nhanh như thế giới chờ đợi. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng đối với thông lệ quốc tế, mọi sự giải thích sẽ khó tạo được đồng thuận nếu không có sự cam kết đầy đủ trong từng bước đi của cải cách dân chủ.

Ngoài việc trả lời câu hỏi (giống như bảo vệ một đề án), Việt Nam phải chứng minh được những thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; trong sự nghiệp phát triển đất nước cũng như trong việc duy trì tính ổn định và bền vững của xã hội. Suy cho đến cùng, một nền dân chủ bảo đảm được nhân quyền, trước hết phải tạo nên được sự không ngừng nâng cao cuộc sống cho người dân. Những cải cách và sự mở cửa dân chủ rộng rãi hơn là tất nhiên nhưng phải theo đúng lộ trình và từng bước nâng dân trí.

Bảo vệ UPR trước LHQ thành công sẽ có ý nghĩa quan trọng. Đây là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh của Việt Nam và nhất là, để cho bạn bè thế giới hiểu biết chúng ta rõ hơn. Sự không hiểu biết lẫn nhau là đầu mối của những bất đồng, lệch lạc về quan điểm. Mặt khác, nếu bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam thì quá trình hợp tác quốc tế và hội nhập toàn diện sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh quan hệ khu vực phức tạp như hiện nay, tìm kiếm thêm đồng minh, tranh thủ thêm được sự ủng hộ là một trong những nguyên tắc để tự bảo vệ mình hiệu quả nhất.

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.