Chính phủ vừa thông qua hai quyết định quan trọng: Một là, mở rộng hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong thời gian 2 năm đối với các khoản đầu tư trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng. Hai là, tập trung kích cầu vào khu vực nông thôn thông qua tài trợ tín dụng lãi suất thấp hoặc không lãi suất để nông dân mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, cải thiện tiêu dùng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước.
Như vậy, sau 2 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoản vay ngắn hạn, tổng mức tín dụng cung ứng cho nền kinh tế đã đạt trên 220 ngàn tỷ đồng, hiệu quả bước đầu đã được các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, là cơ sở thực tiễn để ban hành những giải pháp kích cầu mạnh dạn và đi vào chiều sâu hơn.
Vấn đề cần quan tâm hiện nay là bên cạnh chủ trương mở rộng quy mô gói kích cầu đòi hỏi phải nhanh chóng có biện pháp kết nối và phát huy có hiệu quả những nguồn lực hiện có, tăng cường tính tập trung thống nhất trong chỉ đạo điều hành, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế tài chính – ngân hàng... để tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ, góp phần vực dậy và duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội.
Đối tượng cần quan tâm trước hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây chính là xương sống của nền kinh tế, nơi tạo ra công ăn việc làm cho hàng vạn lao động. Cần khẳng định rằng, bức xúc của doanh nghiệp hiện nay không chỉ là vốn và lãi suất, mà quan trọng hơn chính là thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, đặc biệt khi mà cuộc cạnh tranh không cân sức trên thị trường nội địa đang diễn ra trước “cơn bão hàng nhập” từ Trung Quốc, ASEAN... đang đổ vào Việt Nam.
Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay nếu chỉ dựa vào những giải pháp đơn phương, cục bộ (ví dụ như hỗ trợ lãi suất) thì chắc chắn kết quả mang lại sẽ bị hạn chế. Ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng định hình ngay phương án về mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa và khu vực nông thôn, phối hợp các nguồn lực chủ yếu như đất đai dành cho mở rộng mạng lưới tiêu thụ và nhà xưởng sản xuất - nhân lực - vốn liếng - hàng hóa sản xuất trong nước... để góp phần mở ra cơ hội giúp các doanh nghiệp trụ vững trong cạnh tranh, duy trì và ổn định, phát triển sản xuất.
Một vấn đề quan trọng khác khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất dành cho đầu tư trung và dài hạn, đó là định hướng đúng dòng chảy vốn tín dụng vào các lĩnh vực đang thực sự cần thiết để đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh trên thương trường, ưu tiên cho những doanh nghiệp và những mặt hàng nằm trong danh mục chủ lực thực sự có hiệu quả của địa phương.
Nhanh chóng đổi mới thủ tục hành chính trong quá trình lập và phê duyệt dự án, cải tiến thủ tục hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn... nhằm giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh và có hiệu quả các kênh ưu đãi. Đề nghị lãnh đạo thành phố cần tập trung chỉ đạo, tiến hành kết nối các kênh ưu đãi tài chính của Nhà nước cũng như của ngân hàng thành một thể thống nhất thông qua mô hình “Giao dịch một cửa”, doanh nghiệp chỉ cần tiếp xúc một đầu mối là được phục vụ theo yêu cầu.
Thiết nghĩ, nếu Đà Nẵng là một trong những địa phương triển khai tốt “Mô hình một cửa” trong cấp phép thành lập doanh nghiệp, thì không có lý do gì chúng ta lại không thể mạnh dạn áp dụng mô hình này để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn sóng gió suy giảm kinh tế vào thời điểm này?
THANH THỦY
.
.
Tăng thêm gói kích cầu
Thứ Năm, 09/04/2009, 09:14 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.